Có lẽ, suy ngẫm về cái chết hay đặt những câu hỏi như trên không phải là việc chúng ta thường làm, bởi cái chết, nhìn từ phía tươi đẹp của cuộc sống này rõ ràng đem đến cho chúng ta một nỗi buồn trống rỗng. Phải chăng, chết là dấu chấm hết, là sự chia ly hay là những kết thúc buồn? Dù tránh né đề cập nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng cái chết là một phần tất yếu trong kiếp người.
(Ảnh dẫn qua Ghiền sách)
“Khi hơi thở hóa thinh không” là cuốn tự truyện của một bệnh nhân ung thư đặc biệt – bác sỹ phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi. Qua đó, chàng bác sỹ đã nói về cái chết rất đơn giản, trực diện và rõ ràng như nó vẫn luôn tồn tại mà không chút bi quan, u ám hay xúc cảm gay gắt nào.
Tự truyện này đã thay đổi nhận thức của tôi về cái chết cùng với bài học về ý nghĩa cuộc đời, lòng can đảm và sức mạnh của tình yêu thương. Hãy đọc và cảm nhận bằng chính trái tim bạn, giống như Abraham Verghese trong lời đề tựa cho cuốn sách đã viết:
Hãy sẵn sàng. Hãy ngồi xuống. Đề xem dũng khí là như thế nào. Để thấy một người thật dũng cảm biết bao khi bộc lộ bản thân theo cách ấy. Trên hết thảy, để thấy được bằng từ ngữ của mình, một người vẫn tiếp tục sống, tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc đời của những người khác ngay cả khi ra đi là như thế nào.
Thấu hiểu về cái chết
Phần một – Khởi đầu từ một sức khỏe hoàn hảo, Paul kể lại câu chuyện tuổi thơ và hồi ức về gia đình anh, về sự tiếp cận lần đầu với y học của anh là sự thiếu vắng của người cha là bác sỹ “đang trên đà sự nghiệp, người luôn đi làm trước bình minh và chỉ trở về với đĩa thức ăn hâm lại lúc trời đã tối”. Chuyện người mẹ luôn lo sợ về một hệ thống trường học cùng kiệt, có thể gây trở ngại với tương lai của các con và bà quyết tâm dù thế nào cũng “không để cho các con thiếu sách”.
Có lẽ nhờ vậy, tình yêu sâu sắc và mối quan tâm đối với ngôn ngữ đã khởi sinh và dẫn truyền trong cậu thanh niên Paul từ nhỏ, anh luôn có một động cơ thôi thúc trong mình “không phải là thành tựu mà muốn tìm hiểu: Điều gì khiến cuộc đời con người có ý nghĩa?…Ý nghĩa, dù chỉ là một khái niệm mơ hồ, lại có vẻ không thể thoát khỏi các mối quan hệ con người và giá trị đạo đức”. Từ mối quan tâm ngôn ngữ, anh càng muốn biết những gì đã kiến tạo nên nó. Do vậy, Paul đã chọn y học để trở thành bác sỹ phẫu thuật thần kinh đi sâu nghiên cứu về khoa học và sự vận hành của não bộ. Trong suốt những năm sau đó, ngành y đã cho Paul cái nhìn sâu sắc và thấu hiểu hơn đặc tính của cái chết, một cách thực tế và nhân văn.
(Ảnh dẫn qua Wired)
Cái chết rất vô thường và nó có thể đến với bất kỳ ai, mọi lứa tuổi, mọi thời điểm trong đời. Cùng với nghề đã chọn, Paul trở thành nhân chứng sống cho cái chết hàng ngày, từ cặp em bé song sinh 24 tuần tuổi sinh non, tới những cụ bà đã gần đất xa trời…Trong mỗi lần phẫu thuật, cùng bệnh nhân vật lộn giữa sinh và tử, anh chàng bác sỹ luôn trăn trở, bởi phương án sống sót đối với một con người không phải lúc nào cũng là tối ưu: “cân nhắc cuộc đời nào có thể cứu, cuộc đời nào không và cuộc đời nào không nên làm như vậy” và anh luôn tự hỏi “điều gì khiến cuộc đời trở nên ý nghĩa để sống tiếp?”.
Trước đây, khi chưa hiểu được sự vô thường và lẽ tất nhiên của cái chết, tôi luôn coi cái chết là một yếu tố bất ngờ, một tai họa bất thình lình mà ông Trời giáng xuống ai thì người đó phải chịu. Sự mất mát và ra đi quá đột ngột của người thân từng khiến tôi chìm đắm trong đau khổ, dằn vặt và tiếc nuối. Phải đến mãi sau này, tôi mới có một cách nhìn nhận khác về cái chết; như Nuland, tác giả cuốn How we die, nói: “mọi sinh vật, cho dù một chú cá vàng hay một đứa cháu nội, đều chết”. Và câu hỏi quan trọng không phải là “Tại sao cái chết lại đến với chúng ta?”, mà nên được thay thế bằng “Sống như thế nào cho đến lúc chết?” mới là điều chúng ta cần hỏi, là việc mà chúng ta cần để tâm.
Bình thản, thông suốt và chấp nhận thực tế, dù khuất sâu đâu đó nỗi buồn vẫn tồn tại, nhưng tôi đã hiểu đó là lẽ tất yếu của cuộc đời.
Tôi đang sống cuộc đời như thế nào? Có phải cuộc sống mà tôi luôn thôi thúc muốn sống không? Ý nghĩa của cuộc sống là gì?…Những câu hỏi từng là trăn trở của Paul suốt thời trẻ, giờ tôi cũng đang tự hỏi chính mình. Cái chết đã nâng cấp cho chính bản thân anh: “tránh xa càng tốt những vật chất tầm thường, những tự cao tự đại, để mà đi tới nơi đó, trọng tâm của vấn đề”. Nhìn lại bản thân mình, có phải tôi đôi khi vẫn cố chấp, vẫn muốn hơn thua, vẫn bỏ phí thời gian vì chưa dám sống với cuộc đời của chính mình thay vì sống theo mong muốn của người khác…
Tất cả những điều này có thực sự quan trọng với tôi không khi “Cái chết đến với tất cả chúng ta. Đến với chúng ta, với bệnh nhân của chúng ta: đó là định mệnh của chúng ta, những cơ thể sống”…
Thấu hiểu về lòng can đảm
Paul đã trải qua những cung bậc cảm xúc khó khăn khi chính mình trở thành nạn nhân của căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. “Chàng trai thuở nào say mê các cuộc đi dạo đường dài, cắm trại và chạy bộ, người thể hiện tình yêu và những cái ôm chặt và người thường tung đứa cháu gái cười khúc khích lên cao – người đó đã không còn là tôi nữa. Nhiều nhất thì tôi cũng chỉ có thể đặt mục tiêu trở thành người như vậy một lần nữa”.
Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt chàng bác sỹ dũng cảm, người đã cứu sống bao bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Giờ đây, chính anh lại bất lực trước căn bệnh của chính mình. Cay đắng, tuyệt vọng, buông xuôi, chán chường,…sao có thể tránh được, dù biết sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường.
(Ảnh dẫn qua Steemit)
“Điều gì khiến cuộc đời đáng sống?”, là câu hỏi mà Paul vẫn đau đáu muốn tìm lời giải đáp, ngay cả khi anh không dám chắc ngày mai liệu anh còn sống hay không. Paul quyết định mạnh mẽ sẽ đối diện với số phận, tiếp tục quá trình trị liệu khó khăn và quay trở lại với vị trí bác sỹ phẫu thuật thần kinh.
Tôi sẽ tiếp tục…
Tại sao? Bởi vì tôi có thể. Bởi vì đó là chính tôi. Bởi vì tôi phải học cách sống khác, nhìn nhận cái chết như một vị khách không mời nhưng hiểu rằng ngay cả khi tôi phải chết, thì tôi vẫn sẽ sống cho đến lúc thực sự ra đi.
Sự can đảm, vững tin trong từng suy nghĩ và hành động của Paul đã khiến người đọc vô cùng ngưỡng mộ. Con người ta khi thương và mến mộ ai đó không phải chỉ vì tài năng mà theo tôi phần nhiều vì thái độ sống và tính cách của người đó đã ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào.
Paul dù đã đi xa, nhưng có lẽ hình ảnh của anh vẫn sẽ luôn được khắc ghi trong lòng của rất nhiều người, không phải chỉ vì anh là một bác sỹ tài năng mà còn bởi lòng dũng cảm phi thường, sống cho lý tưởng cho tới tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời, tới khi hơi thở hóa thinh không.
Thấu hiểu về tình yêu thương
Nhắc đến bệnh nhân với căn bệnh hiểm nghèo không thể không nhắc tới người thân và gia đình, những chiến binh cũng phải đấu tranh và chịu ảnh hưởng tâm lý rất lớn.
Lo lắng, sợ hãi nhưng chính nhờ hoàn cảnh khó khăn đã khiến tình yêu càng trở nên mạnh mẽ. Paul đã rất may mắn vì bên anh có gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Paul và vợ của mình. (Ảnh dẫn qua A Cup of Jo)
Xuyên suốt cuốn tự truyện, tôi luôn thấy Paul nhắc tới Lucy người vợ của mình một cách trân trọng. Tình yêu của anh dành cho Lucy rất lớn, chính vì thế có những lúc anh dằn vặt và cảm thấy mình là gánh nặng cho cô, anh chỉ mong cô và con có thể mạnh mẽ và sống tốt nhất nếu một ngày kia anh không còn ở bên. Tôi rất ngưỡng mộ Lucy không chỉ bởi sự kiên cường quyết định “em sẽ không bao giờ rời xa anh” mà còn bởi tình yêu, sự can đảm tin tưởng và ủng hộ của cô dành cho Paul để anh có thể tiếp tục trở lại với làm bác sỹ để lại được cống hiến hết mình.
Trong lời bạt của cuốn sách cô viết:
“Chúng tôi tự hiểu rằng thật ra bí kíp để kiểm soát một căn bệnh thập tử nhất sinh lại chính là yêu thương – để có thể bị tổn thương, để có lòng tử tế, để bao dung và để biết ơn”.
Đôi khi, đúng là bệnh tật lại chính là thử thách của lòng người, là cơn gió thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu. Và ngay cả khi người mình yêu không còn bên cạnh:
“Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng hóa ra tình yêu dành cho một người có thể không suy suyển ngay cả khi họ đã ra đi và tôi vẫn cảm thấy tình yêu đó, cũng như sự biết ơn bên cạnh những nỗi đau khôn cùng… Cảm ơn anh vì đã yêu em”.
Không phải là cuốn tiểu thuyết tình cảm mà tự truyện này cũng cho tôi cơ hội để hiểu hơn về tình yêu chân thật. Không cần những ngôn từ lãng mạn, bay bổng, tình yêu chính là những giây phút đời thường rất thật: Khi Paul và Lucy cùng nhau khóc trên giường bệnh, khi cùng nắm tay nhau và ôm đứa con mới chào đời…Yêu là luôn bên nhau cả những lúc yên vui và những lúc khó khăn bệnh tật.
Paul và bệnh nhân của mình. (Ảnh dẫn qua The Irish Times)
Bên cạnh tình cảm vợ chồng, cuốn tự truyện còn tràn ngập tình yêu thương của bác sỹ với bệnh nhân, của bạn bè và đặc biệt tình cha con. Bé Cathy – con của Paul chào đời khi thời gian sống của Paul còn quá ít ỏi, tuy không thể bên con được lâu, nhưng ngày nào còn được nghe tiếng con cười, đối với Paul đó là một ơn huệ và là hạnh phúc tột bậc. Với niềm tiếc thương không thể chứng kiến Cathy trưởng thành và khôn lớn, Paul mong mỏi con luôn nhớ, dù chỉ một chút ký ức nhỏ nhoi về mình:
“Khi đến một trong những khoảnh khắc mà con phải nói về bản thân mình trong cuộc sống, về việc con từng là ai, những gì con đã làm và con có nghĩa thế nào với cuộc đời, cha nguyện cầu con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa, một niềm vui cha chưa từng biết đến trong suốt những năm trước đây, một niềm vui không khiến cha khao khát thèm thuồng hơn nữa mà là thỏa mãn, bình an. Tại thời điểm này, ngay lúc này, đó là một điều vĩ đại.”
Cathy, con có thể sẽ rất buồn, có thể sẽ cảm thấy rất thiệt thòi nhưng con hãy tự hào bởi vì con có một người cha như Paul Kalanithi, một người luôn cống hiến, can đảm chiến đấu tới hơi thở cuối cùng cho lý tưởng và tình yêu thương. Con hãy tin rằng dù con làm gì hay ở bất cứ đâu đều vẫn luôn có hình bóng của cha bên cạnh. Hãy tiếp nối cuộc đời của cha con và biến nó trở nên thật sự ý nghĩa. Giống như cha con đã từng nói:
Bạn không bao giờ có thể đạt được sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới.
Đọc đến trang cuối và gập cuốn sách trên tay, lòng tôi vẫn nao nao những cảm xúc khó tả. Paul Kalanithi đã ra đi mãi mãi ở tuổi 37 nhưng câu chuyện về niềm tin của anh vẫn còn sống mãi, trong tôi và trong lòng người đọc. Có thể anh thua trong trận chiến với bệnh tật, nhưng anh không thua trong trận chiến với cuộc đời, với lý tưởng về cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống cống hiến anh đã lựa chọn.
(Ảnh dẫn qua downloadsach)
Về tác giả:
Paul Kalanithi tốt nghiệp Stanford với bằng cử nhân và Thạc sỹ văn học Anh; Thạc sỹ Lịch sử và Triết học khoa học, y học tại Cambridge. Tốt nghiệp xuất sắc tại trường Y thuộc đại học Yale, Tiến sỹ về Khoa học Thần kinh tại Stanford, đạt giải thưởng cao quý nhất của Hiệp hội Phẫu thuật Thần kinh Hoa Kỳ.
Anh qua đời năm 2015, khi 37 tuổi. Cuốn tự truyện “Khi hơi thở hóa thinh không” của anh là cuốn sách bestseller ngay sau khi ra mắt.
Lưu Hạnh
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC