Mục tiêu của dự án này là để kết nối mọi người ở các nơi trên thế giới lại với nhau và khiến họ suy ngẫm về ý nghĩa của sự đoàn kết, nhất là trong tình trạng dịch bệnh hoành hành hiện nay.
Vào ngày 26/5, người ta đã lắp đặt “Lối vào” này phía trước ga xe lửa ở Vilnius để phục vụ như một “cầu nối ảo” kết nối người dân Vilnius và người dân Lublin với nhau. Trong khi đó, “Lối vào” ở phía bên thành phố Lublin được đặt ở quảng trường.
“Lối vào” trông giống như một cánh cổng hình tròn có màn hình và máy quay cỡ lớn để người dân ở thành phố bên này nhìn thấy những người ở thành phố bên kia và còn có thể tương tác vẫy tay chào nhau khiến nó trông giống như “lối vào không gian khác” trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.
Cơ quan phát triển GoVilnius của thủ đô Vilnius chỉ ra rằng họ cố ý thiết kế “Lối vào” giống như hình ảnh của “Giếng thời gian” trong các bộ phim khoa học viễn tưởng nhằm mục đích kết nối mọi người ở các thành phố lân cận và tạo cho họ cảm giác đó như một “Lối vào”, cũng như giúp họ “suy ngẫm lại về ý nghĩa của sự đoàn kết”.
Sự kết nối này sẽ mang đến cảm giác làm quen bạn mới ở thành phố khác và đi du lịch đến nơi khác mà không phải lo ngại đến việc có thể bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Hai thành phố Vilnius và Lublin có mối liên hệ về mặt lịch sử. Liên minh Lublin được thành lập bởi Vương quốc Ba Lan và Đại công quốc Lithuania vào ngày 1/7/1569, đóng góp vào Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Lithuania, một trong những khối châu Âu lớn nhất các quốc gia vào thời điểm đó.
Vì vậy, việc thiết lập “Lối vào” cũng tượng trưng cho việc hai thành phố cách nhau vài trăm km này thống nhất với nhau, không bị chia cắt.
Ngoài Vilnius và Lublin, người sáng lập dự án “Lối vào” cũng đã lên kế hoạch lắp đặt các thiết bị tương tự ở các địa điểm tại châu Âu và trên thế giới.
Thanh Vân (Theo Epoch Times)
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC