Tết Nguyên đán (Tết Năm mới theo Âm lịch – lịch Mặt trăng) thông thường diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 21/1 đến ngày 20/2 (Dương lịch) hàng năm. Năm nay, ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch sẽ rơi vào ngày 5/2 (Dương lịch), đánh dấu sự chuyển giao từ năm Mậu Tuất sang năm Kỷ Hợi.
Ngày 5/2 (theo Dương lịch) chính là ngày đầu tiên của năm mới Âm lịch 2019 nhưng không khí lễ hội đã bắt đầu từ vài ngày trước đó, đặc biệt trong ngày cuối cùng của năm cũ và đêm Giao thừa (thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới).
Theo truyền thống của người phương Đông, người ta thường đốt pháo hoa, pháo nổ để xua đuổi tà ma trong năm mới. Tuy nhiên, hiện nhiều nước đã cấm đốt pháo nổ vì lý do an toàn. Tết Âm lịch cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ đến tổ tiên của họ sau một năm tất bật với công việc bộn bề.
Năm con lợn trong quan niệm của người châu Á
Năm 2019 là năm con lợn (Kỷ Hợi). Lợn chính là con vật nằm cuối cùng trong Thập nhị chi (12 con giáp): Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Theo truyền thuyết, Ngọc Hoàng tổ chức một bữa tiệc và mời các loài vật đến tham dự. Lợn đến muộn vì ngủ quên nên nó phải đứng ở vị trí cuối cùng trong 12 con giáp.
Năm con lợn được nhiều người kỳ vọng sẽ mang lại may mắn bởi vì theo quan niệm của người Á Đông, lợn đại diện cho sự sung túc, sức khỏe, lòng nhân từ, đức tính yêu chuộng hòa bình…
Người tuổi Hợi được cho là có tính tình hiền lành, lạc quan, khoan dung, kiên nhẫn. Nam giới tuổi Hợi rất kiên cường và rất hiếm khi mất bình tĩnh, trong khi đó những người phụ nữ tuổi Hợi được cho là luôn rất chân thành, mộc mạc. Có lẽ chính vì tính cách như vậy mà những người tuổi Hợi luôn chiếm được cảm tình từ những người xung quanh và bản thân họ cũng được cuộc sống ưu ái.
Mang vẻ ngoài điềm tĩnh, tính cách hiền lành, dễ chịu, những người tuổi Hợi có một trái tim mạnh mẽ. Tuy nhiên, điểm yếu của họ chính là sự ngây thơ và đôi khi quá nhạy cảm.
Vì mang những nét đẹp và lợi thế nói trên mà có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh lợn ở khắp mọi nơi. Từ những bức tranh dân gian đến chú lợn đất bỏ tiền tiết kiệm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những chú lợn đất béo tròn lại được lựa chọn để làm nơi cất trữ tiền tiết kiệm và có một sức hấp dẫn tượng trưng vô cùng đáng yêu với trẻ em và với cả người lớn.
Đôi điều về Tết Nguyên đán
Cùng với những thay đổi của xã hội thì Tết nay đã có đổi thay so với Tết xưa, mặc dù vậy, nhiều truyền thống cũ vẫn được người đời nay kế thừa và gìn giữ, tạo nên màu sắc đặc trưng của ngày Tết.
1/6 dân số thế giới ăn mừng Tết Nguyên đán. Cùng với các lễ hội ở Trung Quốc, Tết Nguyên đán cũng được chào đón nồng nhiệt ở Việt Nam, Singapore… Trong những năm gần đây, các lễ hội trong dịp này cũng được tổ chức ở London (Anh), Vancouver (Canada), Sydney (Australia) và New York (Mỹ) – những nơi có cộng đồng người châu Á đông đảo sinh sống.
Dọn dẹp nhà cửa là một truyền thống chuẩn bị đón năm mới của người dân các nước ăn Tết theo lịch âm. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ những cái cũ, những điều xui xẻo ra khỏi nhà để sẵn sàng cho khởi đầu một năm mới.
Trong những ngày đầu năm, người dân kiêng quét nhà, đổ rác. Họ cho rằng làm như thế sẽ đem tài lộc ra khỏi nhà. Họ cũng kiêng cắt tóc; sử dụng các đồ vật sắc như kéo, dao; tránh cãi nhau nhằm đón một năm mới hạnh phúc.
Ở Việt Nam, dù cho pháo nổ đã bị cấm nhưng pháo hoa dường như là thứ không thể thiếu trong dịp Tết Âm lịch. Người ta tin rằng, dịp Tết Nguyên đán là một trong những cơ hội hiếm hoi trong năm để thưởng thức những “bữa tiệc” pháo hoa hoành tráng nhất.
Trong dịp Tết, mọi người gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, ghé thăm gia đình người thân, gửi tặng nhau phong bao lì xì mừng tuổi và không quên nói những lời may mắn, tốt đẹp.
Người lớn thường tặng tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ trong dịp Tết. Số tiền may mắn tượng trưng này thường được đựng trong các phong bao lì xì màu đỏ với mong muốn chúc một năm có sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn. Ngày nay, lớp trẻ cũng có thói quen lì xì cho ông bà, bố mẹ, để thay lời chúc sức khỏe và bình an./.
Theo Hùng Cường/VOV.VN
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC