Thời gian gần đây, hàng loạt người nổi tiếng xuất hiện trong các quảng cáo, tiếp thị sản phẩm trên Facebook, YouTube, TikTok. Các sản phẩm được quảng cáo nhiều là mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thuốc chữa ung thư...
Diễn viên Thanh Hương thường xuyên livestream quảng cáo kem dưỡng da; ca sĩ Đan Trường, nghệ sĩ Quyền Linh, Vân Dung, Quốc Khánh, Chí Trung... quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... Trên thực tế, chất lượng của nhiều sản phẩm không “thần kỳ” như những gì các nghệ sĩ mô tả.
Tú Anh, Kỳ Duyên, Ốc Thanh Vân, Bảo Thanh…: Làm đại sứ thương hiệu cho doanh nghiệp sở hữu lô mỹ phẩm 11 tỷ VNĐ không rõ nguồn gốc
Năm 2017, dư luận bàng hoàng khi cơ quan chức năng tạm giữ một lô hàng 14.000 sản phẩm, gồm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có tổng trị giá 11 tỷ VNĐ, vì không rõ nguồn gốc.
Lô hàng này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam - một tên tuổi lớn trong giới làm đẹp. Chủ công ty là bà Nguyễn Thu Trang - người từng đoạt giải thưởng "Hiền tài đất Việt" và được cử đi thi Hoa hậu Quý bà Châu Á 2017.
Dư luận càng bất ngờ hơn khi danh sách đại sứ thương hiệu của công ty TS cũng toàn người nổi tiếng. Một số gương mặt đáng chú ý là Á hậu Tú Anh, Bảo Thanh, Lã Thanh Huyền, Ốc Thanh Vân, Jennifer Phạm, Vân Hugo, Ngọc Trinh,...
Nhiều người đẹp Việt quảng cáo mỹ phẩm cho công ty TS.
Những ngôi sao này đã tham gia kha khá những buổi tư vấn làm đẹp, quay clip chia sẻ bí quyết chăm sóc da và trả lời các thắc mắc của khách hàng về sản phẩm của công ty T’s. Trên trang cá nhân, họ cũng thường xuyên đăng tải ảnh quảng bá sản phẩm.
Sau khi sự việc vỡ lở, những người đẹp nêu trên đã lên tiếng xin lỗi và trấn an dư luận. Họ cho biết mình chỉ ký hợp đồng khi đã xem giấy tờ đàng hoàng. Nếu công ty TS thực sự sai phạm, họ sẵn sàng đơn phương chấm dứt hợp đồng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, loạt người đẹp cũng yêu cầu công ty TS phải công khai xin lỗi vì đã lừa dối khách hàng và gây thiệt hại hình ảnh cho các đại sứ.
Trao đổi với Zing, ông Trần Hùng - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - cho rằng đơn vị quảng cáo và người tham gia quảng cáo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mình quảng cáo. Ở đây, ông nhắc đến chủ thể là các nhà sản xuất sản phẩm, các nghệ sĩ nổi tiếng và cả nền tảng phát quảng cáo như YouTube hay Facebook.
Quảng cáo viên sủi trị viêm họng của diễn viên hài Chí Trung trên YouTube. Ảnh: Thanh Thương.
Bát nháo và tùm lum
Ông Trần Hùng khẳng định nguyên tắc của quảng cáo là phải trung thực, không được nói quá về tác dụng hoặc những điều mà pháp luật cấm. “Đã là nghệ sĩ tên tuổi thì phải giữ uy tín cho chính mình. Ngoài vấn đề đạo đức cá nhân thì phải chấp hành đúng pháp luật”, ông nhấn mạnh.
Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam, dùng từ “bát nháo”, “tùm lum” để nói về quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là các quảng cáo có sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng.
Ông Dũng phân tích một doanh nghiệp dùng quảng cáo để xây dựng thương hiệu cho mình, hoặc một sản phẩm nào đó họ sản xuất ra. Cách làm nhanh nhất là mời những nghệ sĩ có danh tiếng để giúp lan truyền thương hiệu, lan truyền các thuộc tính của sản phẩm.
Nghệ sĩ Quyền Linh quảng cáo sản phẩm hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư và dùng ngay trong video. Ảnh: Chụp màn hình.
Kinh nghiệm ở các nước cho thấy bên cạnh việc dùng các biện pháp về hành chính, ngành quảng cáo dùng một số bộ quy tắc về đạo đức trong việc quản lý quảng cáo. Ông Dũng đề xuất xây dựng một bộ quy tắc đạo đức về quảng cáo, giống nhiều nước đã áp dụng. Bộ quy tắc này sẽ do các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, hiệp hội quảng cáo xây dựng và có hội đồng giám sát.
Ví dụ ở Singapore, Hiệp hội Tiêu chuẩn Quảng cáo Singapore bầu ra một hội đồng thẩm định, dựa trên những quy chuẩn về quảng cáo. Khi có thông tin phản ánh, khởi kiện hay vấn đề liên quan đến một quảng cáo nào đó, hội đồng sẽ làm việc và đưa ra khuyến cáo tới các phương tiện truyền thông về việc có dừng phát quảng cáo hay không.
“Tổ chức đó có thể công bố công khai hoặc khuyến cáo người tiêu dùng về việc quảng cáo này có vi phạm quy định hay không. Nghệ sĩ chắc chắn không muốn mình bị khuyến cáo là đang quảng cáo cho một sản phẩm không tốt”, ông Dũng nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo cũng nhấn mạnh chính các nghệ sĩ cũng cần phải bảo vệ thương hiệu của bản thân. Ông cho rằng nếu nghệ sĩ dùng thương hiệu bản thân một cách bừa bãi thì phải chấp nhận những chế tài về xã hội. Xã hội sẽ làm cho thương hiệu của nghệ sĩ đó giảm xuống.
“Nghệ sĩ đã nhận tiền quảng cáo thì phải cân nhắc bảo vệ thương hiệu của chính bản thân mình. Nếu cứ quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, thương hiệu và hình ảnh của nghệ sĩ giảm sút. Đó là cái giá rất đắt cho chính những người có tên tuổi”, ông nói.
Sẽ tăng cường kiểm tra
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) - cơ quan quản lý Nhà nước nói chung về quảng cáo - cho biết đã nhận thấy những phát sinh và bất cập trong các quy định để quản lý quảng cáo trên mạng xã hội. Cơ quan này sẽ sớm rà soát, trình cơ quan chức năng xem xét.
Trao đổi với Zing, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết Luật Quảng cáo đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người đại diện thương hiệu trong quảng cáo.
Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo quy định: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”.
Khoản 2 Điều 12 quy định người quảng cáo có nghĩa vụ cung cấp cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm về các thông tin đó.
Người quảng cáo cũng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của mình trong trường hợp trực tiếp thực hiện quảng cáo trên các phương tiện; liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện.
Bộ VHTTDL sẽ rà soát, kiểm tra, định kỳ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên các phương tiện
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL)
Luật Quảng cáo cũng quy định người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm quảng cáo thực hiện trên phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
“Việc sử dụng những hợp đồng thuê cá nhân quảng cáo là hợp đồng dân sự, trường hợp có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan”, bà Hương dẫn Luật Quảng cáo.
Với một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực quảng cáo trên mạng xã hội như hiện nay, đại diện Bộ VHTTDL cho biết thời gian tới Bộ sẽ tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn để nắm bắt những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về quảng cáo cũng như các vấn đề thực tiễn mới phát sinh gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, Bộ sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định.
“Bộ VHTTDL sẽ tăng cường phối hợp giữa các Bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công thương trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo. Chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra, định kỳ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên các phương tiện”, bà Hương nói.
Theo: ZING.VN
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC