Theo BBC, Knapp hiện là người sáng lập và chủ sở hữu trang trại ốc sên lớn nhất nước Mỹ, mang tên Peconic Escargot, trụ sở tại Long Island, New York.
Ông Ric Brewer khoe giống ốc sên nuôi lấy thịt
Đây là một trong hai trang trại ốc sên được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cấp chứng nhận nuôi làm thực phẩm. Trang trại ốc sên còn lại là của ông Ric Brewer mang tên Little Grey ở Escargotiere, bang Washington, với tổng đàn 50.000 con.
Công việc hằng ngày hiện nay của Knapp là trông nom và cân đối nguồn ốc sên thương phẩm bán cho các nhà hàng ở thành phố New York vì cầu đang vọt cung. Doanh thu hàng năm từ cơ sở của anh đã tăng gấp đôi kể từ khi khởi nghiệp vào năm 2017.
Knapp năm nay 31 tuổi, từng là một đầu bếp đã nảy ra ý tưởng nuôi ốc sên lấy thịt sau khi anh đã chén thử món này nguyên con lần đầu tiên hồi còn làm việc ở châu Âu. Lúc đó Knapp mới nhận ra rằng, chúng có vị ngon hơn nhiều so với các loại đóng hộp, hay chế biến sẵn bán ở Mỹ.
Nhưng ngặt một nỗi lúc đó luật Mỹ lại không cho nhập khẩu ốc sên sống, kể cả là dưới dạng sơ chế tươi bởi chúng được coi là loài sinh vật ngoại lai xâm hại môi trường. Và buồn hơn là cả ba loài ốc sên ăn được lại đều có nguồn gốc từ châu Âu.
Dựa vào số liệu thống kê Knapp nhận thấy, lượng tiêu thụ ốc sên tại Mỹ đã tăng 42%, lên 300 tấn vào năm 2018 nên anh nhìn thấy cơ hội kinh doanh tuyệt vời và quyết định lập công ty Peconic để các đầu bếp Mỹ có nguồn hàng tươi ngon tại chỗ. Mày mò tìm hiểu luật cộng với may mắn nên Knapp đã mua được nguồn giống tốt nhất từ một nhà cung cấp ở bang California.
Số là nhà cung cấp này đã “di thực” được nguồn giống ốc sên ăn được từ châu Âu về Mỹ từ năm 1850. Để ra mắt Peconic, anh Knapp và đối tác đã huy động được 30.000 USD từ các nhà tài trợ và các nhà đầu tư và sau đó làm các thủ tục xin cấp phép nuôi thương phẩm. Vậy là khu nhà kính nuôi ốc sên khép kín của anh ra đời.
Doanh nhân Taylor Knapp bên những khay thịt ốc sên đóng hộp phân cho các nhà hàng ở New York
Hiện cả hai có sở của Rick Brewer và Taylor Knapp đều bán ốc sên tươi sống, hoặc sơ chế và giữ lạnh với thời hạn sử dụng chỉ một tuần để cung cấp cho các nhà hàng ở Mỹ. Đầu bếp Ryan Angulo của Cty Peconic phục vụ tại nhà hàng Pháp Louie ở phố Brooklyn cho biết, khi chế biến món ốc tươi sẽ cho hương vị món ăn rất khác so với đồ hộp.
“Ốc sên hiện có giá ngang với con hàu bản địa. Cách chế biến cũng không khác nhau là mấy. Ta nên dùng tươi, nấu không chín quá để làm nổi bật hết hương vị của nó”, Ryan nói.
Hiện Knapp đang tính mở rộng mạng lưới kinh doanh ra ngoài thành phố New York bằng cách hợp tác với một nhà phân phối hải sản bởi mỗi tuần chỉ có thể cung cấp được 27kg ốc sên thương phẩm. “Chúng tôi xác định cần phải tiến ra các thành phố đông như Boston và Philadelphia”, Knapp cho hay.
Ước tính, thị phần thế giới đối với mặt hàng thịt ốc sên sẽ đạt giá trị 117 triệu USD/năm.
Là một loài động vật không xương sống đã tồn tại hơn 500 triệu năm và có vòng đời phức tạp dễ thích nghi với môi trường nhất so với các loài vật nuôi khác nhưng thực ra chúng là nguồn thực phẩm giá trị.
Ốc sên là món dễ chế biến, có thể dự trữ cấp đông như nghêu, cua hoặc tôm hùm …
KIM LONG
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC