Cuốn hồi ký Miền đất hứa (A Promised Land) của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức được xuất bản vào ngày 17/11. Trong cuốn sách mới của mình, ông kể về chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ và nhớ lại sự giám sát nghiêm ngặt của Bắc Kinh. Ông mô tả rằng mặc dù quan hệ Mỹ-Trung vào thời điểm đó có vẻ thân thiện nhưng thực ra lại đầy sự ngờ vực.
Ngờ vực
Ông Obama đã đến thăm Trung Quốc ba lần trong hai nhiệm kỳ của mình. Vào một ngày lạnh giá trong tháng 11/2009, ông lần đầu tiên công du Trung Quốc, thăm Thượng Hải và Bắc Kinh, gặp Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Theo lời kể, khi máy bay hạ cánh xuống Bắc Kinh, đoàn tháp tùng của ông đã nhận được theo dõi sát sát.
Cựu Tổng thống Mỹ viết: “Ngay cả trên khắp các đại dương, khả năng giám sát của Trung Quốc cũng rất kinh ngạc. Chúng tôi được hướng dẫn để lại mọi thiết bị điện tử cá nhân trên máy bay và hoạt động với giả định mọi liên lạc của chúng tôi đang được giám sát".
Ông nói thêm, các biện pháp phòng ngừa bổ sung từ phía Mỹ cũng được tăng cường, đội an ninh của ông trên mặt đất thậm chí đã phải dựng một chiếc lều lớn màu xanh "với tiếng vo ve kỳ lạ", được thiết kế để ngăn chặn mọi dấu vết theo dõi hoặc đột nhập nào của Bắc Kinh.
Ngoài ra, theo ông, để tránh bị theo dõi, nếu muốn gọi điện từ khách sạn để thảo luận về các vấn đề an ninh quốc gia trong chuyến thăm Trung Quốc, ông phải đến một phòng khác có thể chặn theo dõi. Để tránh bị camera giấu kín (giả định) chụp lén, một số thành viên trong đoàn đã chọn cách thay quần áo, thậm chí tắm trong bóng tối.
Ông Obama đặt chân xuống sân bay Bắc Kinh vào ngày 16/11/2009, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên. Ảnh: Getty
Obama cũng kể lại vụ việc bất ngờ của Bộ trưởng Thương mại Mỹ bấy giờ Gary Locke. Thời điểm đó, ông Locke đang đi cùng phái đoàn thì đột ngột trở về phòng khách sạn vì quên đồ, ông mở cửa và thấy hai nhân viên phục vụ phòng đang dọn giường, và hai người đàn ông khác mặc vest đang chăm chú lật giở tập tài liệu trên bàn của ông.
Obama kể: "Locke hỏi họ đang làm gì. Người đàn ông đi ngang qua ông mà không nói một lời rồi rời đi. Phục vụ phòng cũng không ngẩng lên nhìn mà im lặng vào toilet thay khăn tắm, như thể Locke vô hình". Sau khi biết điều này, một số người trong đoàn liền lắc đầu liên tục còn những người khác lại cười thành tiếng.
Căng thẳng âm ỉ
Cựu Tổng thống Obama đã viết rất chi tiết về mối quan hệ căng thẳng giữa giới chức ở Washington và Bắc Kinh.
"Nhìn bề ngoài, mối quan hệ mà chúng tôi được thừa kế (với Trung Quốc) tương đối ổn định", Obama viết. “Nhưng đằng sau quan hệ ngoại giao tốt đẹp ẩn chứa những căng thẳng âm ỉ kéo dài và sự ngờ vực - không chỉ xoay quanh các vấn đề cụ thể như thương mại hay gián điệp mà còn xoay quanh vấn đề cơ bản về sự trỗi dậy của Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào đối với trật tự quốc tế và vị thế của Mỹ trên thế giới”.
Obama nói rằng, nguyên nhân giúp Mỹ và Trung Quốc tránh được xung đột công khai trong 30 năm qua không chỉ là may mắn, mà bởi vì chính phủ Trung Quốc đã đi theo lý thuyết "thao quang dưỡng hối" (ẩn mình, chờ thời) của Đặng Tiểu Bình.
Ông nói, ví dụ, đối với các vấn đề như Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, vốn dễ xảy ra xung đột nhưng giới chức Trung Quốc vẫn cố gắng xử lý các tranh chấp bình thường hết mức có thể: Bày tỏ sự không hài lòng thông qua thư tín hoặc hủy các cuộc gặp song phương nhưng sẽ không bao giờ để tình hình leo thang đến mức độ nghiêm trọng.
Obama nói, "chiến lược kiên nhẫn" này cho phép Trung Quốc tự "làm mờ" bản thân trong quá trình trỗi dậy, qua đó liên tục lách luật, vi phạm hầu hết mọi quy tắc thương mại quốc tế đã thỏa thuận.
Ví dụ, Trung Quốc đã sử dụng trợ cấp của chính phủ, thao túng tiền tệ và bán phá giá thương mại trong nhiều năm để làm giảm giá hàng xuất khẩu của mình và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Mỹ. Ông cũng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và liên tục gây sức ép buộc các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao các công nghệ quan trọng nhằm thúc đẩy Bắc Kinh đi lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
An An
Nguồn: toquoc.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC