Những biện pháp phân loại và cách ly của Việt Nam đang phát huy hiệu quả.
Tuần trước khi cảnh báo về đại dịch toàn cầu, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đặc biệt nhấn mạnh: xét nghiệm và cách ly.
Điều quan trọng nhất của thông điệp trên là các quốc gia cần san phẳng đỉnh dịch, tránh quá đông người nhiễm bệnh cùng lúc làm quá tải hệ thống y tế, điều một số tâm dịch như Vũ Hán, Ý đã và đang trải qua với bao cay đắng về nhân mạng.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang theo cách thức đó để chống lại coronavirus.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào góc độ chính trị, văn hóa, xã hội, nhận thức,… phương Đông và phương Tây đều có các triết lý chữa bệnh, trong đó có điểm giống nhau, có điểm khác nhau.
Cách ly và cách ly
Nhiều nơi ở Châu Á tuân thủ tuyệt đối phương châm chống dịch của WHO, thậm chí trước khi tổ chức này công bố đại dịch, điển hình nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông… Hàn Quốc và Singapore, với thế mạnh vượt trội về y tế, AI và khoa học kỹ thuật, truy tìm và xét nghiệm người dân trên diện rộng, ở mọi lúc, mọi nơi. Người được phát hiện dương tính sẽ được đưa đi cách ly, những người tiếp xúc được truy tìm.
Các quốc gia Châu Á thực hiện giãn cách xã hội (social distancing) một cách quyết liệt. Chính phủ chỉ dẫn cho người dân cách thức sinh hoạt ở nơi làm việc, chỗ công cộng để bảo vệ mình khỏi lây virus; yêu cầu đóng cửa các địa điểm công cộng, đông người; đóng cửa trường học, ngừng bay, ngừng cấp visa và thậm chí đóng cửa biên giới.
Tuy nhiên, như Singapore, dù chịu sức ép rất lớn từ Malaysia, quốc gia cung cấp rất nhiều hàng nhu yếu phẩm, đã đóng cửa biên giới, vẫn tiếp tục cho phép học sinh đến trường, nhiều địa điểm công cộng hoạt động bình thường. Họ hiểu rẳng, họ đang kiểm soát tốt dịch bệnh và nếu đóng cửa thì cái giá phải trả là quá lớn cho nền kinh tế cởi mở nhất thế giới.
Còn Việt Nam kiên trì và nhất quán theo đuổi nguyên tắc chống dịch: Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm; cách ly kịp thời; khoanh vùng gọn; dập dịch triệt để; điều trị khỏi bệnh.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến chính quyền cấp huyện xã, đến người nhân, doanh nghiệp. Hệ thống truyền thông như báo chí, loa phường và thậm chí mạng xã hội chủ động cung cấp thông tin cho người dân. Cách thức cách ly miễn phí rất nhân văn.
Việt Nam cách ly tất cả những người từ nước ngoài về và không thu phí, một cách rất nhân văn. Tại cuộc họp chiều ngày 18/03, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cho biết, trong nước hiện vẫn còn "hàng trăm nghìn người nước ngoài" đã nhập cảnh chưa quá thời hạn 14 ngày, trong đó rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
Dù nguồn lực có hạn, nhưng cả hệ thống chính trị và cả người dân đều đồng lòng với quyết tâm rất cao để thưc hiện các biện pháp chống dịch được WHO đánh giá là "rất tốt". Cho đến nay, số ca dương tính vẫn thuộc dạng ít nhất trong khu vực và chưa có một ai tử vong.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Một lần nữa tôi có niềm tin chúng ta sẽ làm tốt việc đẩy lùi, chặn đứng đại dịch, áp dụng mọi biện pháp, mọi sáng kiến bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường, đồng thời quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước". Lòng tin của Thủ tướng đang tiếp lửa cho lòng tin của cộng đồng.
Tóm lại, "cách ly" triệt để các ca bệnh dương tính và những người tiếp xúc, khoanh vùng để tránh dịch lây ra cộng đồng đang giúp một số quốc gia châu Á hạn chế lây lan bệnh tật. Mô hình cách ly này được coi là thành công vì số ca phát hiện dương tính ở một số quốc gia kể trên đang giảm xuống.
Nếu có vắc xin trong vài ba tháng nữa thì thành công đó càng lớn, thể hiện qua số người lây và tử vong đều thấp. Có lẽ, về sâu xa, thể chế, văn hóa, kết nối xã hội ở châu Á đứng phía sau toàn bộ thành công cho đến nay.
"Cách... không ly" của phương Tây
Cuối tuần trước, cố vấn y học tối cao của Anh Patrick Vallance, đứng cạnh Thủ tướng Anh Boris Johnson, đã gây sốc khi đề cập đến khái niệm "miễn dịch cộng đồng" khi công bố kế hoạch chống dịch. Kế hoạch đó gồm 4 giai đoạn: ngăn chặn, trì hoãn, nghiên cứu, đẩy lùi.
Kế hoạch chống dịch Covid19 ở Anh gồm 4 giai đoạn: ngăn chặn, trì hoãn, nghiên cứu, đẩy lùi. Ảnh: Guardian
Miễn dịch cộng đồng được hiểu là những gì xảy ra với một nhóm người hoặc động vật khi họ phát triển đủ kháng thể để chống lại bệnh tật. Miễn dịch cộng đồng là hệ quả chứ không phải mục tiêu của kế hoạch. Ông tuyên bố nước Anh đã vào giai đoạn hai và ước tính có thể đã có 10.000 người đã bị lây nhiễm ở Anh dù có gần 800 ca được phát hiện dương tính.
Ngay lập tức, làn sóng lo âu đã tràn ngập mặt báo Anh. Hơn 245 nhà khoa học và nhà toán học đã lên án kế hoạch của chính phủ nhằm đạt được khả năng miễn dịch bầy đàn bằng cách trì hoãn các biện pháp ngăn chặn virus lây lan. "Bằng cách áp đặt các biện pháp cô lập ngay bây giờ, sự gia tăng (ca nhiễm) có thể chậm lại đáng kể, và hàng nghìn mạng sống có thể được cứu", bức thư cho biết.
Trước sức ép đó, một số chuyên gia y tế của Chính phủ Anh phải "nói lại" để xoa dịu công luận và hôm 18/3, Chính phủ Anh đã điều chỉnh các bước đi cho phù hợp, chẳng hạn lệnh đóng cửa trường học, tàu điện ngầm. Bước đi này là đáng kể vì trước đó Chính phủ cho rằng, cho học sinh nghỉ học ở nhà sẽ dẫn đến hệ lụy một số đông làm trong ngành y tế sẽ nghỉ phép trông con, gây thiếu nhân sự ở các bệnh viện.
Song, nước Anh về bản chất vẫn đang đi theo kế hoạch ban đầu với một số điều chỉnh về cách ly như: người già được yêu cầu cách ly trong nhà trong 4 tháng; còn lại các bước đi vẫn theo kế hoạch: người khoẻ, trẻ không cho xét nghiệm nếu không thật sự bị bệnh nặng; Chính phủ khuyến khích hạn chế đám đông.
Ngay từ khi dịch ở Vũ Hán bùng phát, Anh theo dõi rất sát diễn biến ở đó. Họ đón công dân Anh, công dân Trung Quốc từ đại lục trở lại bằng chuyên cơ, đáp xuống căn cứ quân sự, cách ly ngay ở biệt khu The Wirral phía Bắc, chứ không đem về London, theo báo Anh. Đó là giai đoạn 1 - ngăn chặn - của kế hoạch của Anh.
Các lãnh đạo EU như Thủ tướng Đức, Pháp, Hà Lan, Pháp,... người lên tiếng thẳng tưng, người nói bóng nói gió, đều công bố công khai các chiến lược chống dịch và kiên định đi theo đường đã vạch ra. Tất cả đều không giống như cách làm ở châu Á: cách ly triệt để người dương tính khỏi cộng đồng.
Chẳng hạn, tuần trước Thủ tướng Đức Angela Merkel còn nói thẳng, ước tính gần 60-70% dân số sẽ nhiễm bệnh. Hôm qua, bà Merkel có bài phát biểu lay động lòng người để trấn an dân chúng. Đến hôm qua, người Đức cũng điều chỉnh một số chiến thuật. Các báo đăng dầy đặc các lời cảnh báo tránh tụ tập và hạn chế đi ra khỏi nhà; các quán bar, sòng bài, hàng quán, cửa hàng và những trung tâm đông người bắt đầu phải đóng cửa; một loạt giường bệnh được lắp đặt ở trung tâm triển lãm lớn nhất ở Berlin để sẵn sàng ứng cứu khi bệnh viện quá tải. Với hơn 12.300 ca, Đức trở thành một trong 3 nước có nhiều người dương tính với Covid-19 nhất thế giới, cùng Italy và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Đức không cách ly người bệnh khỏi cộng đồng.
Theo gương đồng nghiệm Anh, Đức, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ý định thúc đẩy sự phát triển của "hệ miễn dịch cộng đồng " và cảnh báo hầu hết đồng bào của ông có thể sẽ nhiễm SARS-Cov-2. Ông giải thích, chính phủ muốn đạt đến tình trạng "miễn dịch cộng đồng" trong thời gian chờ vắcxin bằng cách để những đối tượng ít bị tổn thương nhất nhiễm virus, trong khi bảo vệ người già và người bệnh.
Hà Lan không tính tới khả năng ngăn chặn hoàn toàn virus SARS-CoV-2 vì với kịch bản ngăn chặn hoàn toàn, Hà Lan sẽ buộc phải đóng cửa trong vòng một năm hoặc lâu hơn, để lại vô số hậu quả.
Một tờ báo của Ý trích báo cáo của Chính phủ Ý cho biết, ước tính có 92.000 người Ý bị nhiễm coranavirus cho đến cuối tháng 4 và hơn 360.000 người bị cách ly với đỉnh điểm nhiễm trùng dự kiến vào khoảng ngày 18/3. Liệu nước Ý, giờ đã trở thành tâm dịch của thế giới sau Vũ Hán và phải đóng cửa quốc gia, đã có kịch bản trước để đi theo?
Còn ở Mỹ, tờ The New York Times trích dẫn một dự báo gần đây của Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) ước tính rằng dịch coronavirus ở Hoa Kỳ có thể lây nhiễm từ 160 triệu đến 214 triệu người trong khoảng thời gian hơn một năm - và giết chết 200.000 đến 1,7 triệu người ở nước này. Đó là kịch bản xấu nhất.
Song, vào tuần trước Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch 15 ngày để làm chậm các ca nhiễm mới ở Hoa Kỳ, bao gồm các khuyến nghị nghiêm ngặt hơn về việc người ho và sốt ở nhà và tránh các nhóm từ 10 người trở lên, bên cạch các biện pháp khác. Như EU, Mỹ cũng không cách ly người dương tính.
Như vậy, một số quốc gia EU và Mỹ kể trên không thực hiện triệt để biện pháp mà một số quốc gia châu Á đang làm: cách ly những người dương tính một cách triệt để; và khoanh vùng để dập dịch. Họ thực hiện những kế hoạch phòng bệnh dẫn đến kết quả miễn dịch cộng đồng có kiểm soát. Họ hy vọng rằng, số đông người nhiễm bệnh tạo ra hàng rào giúp bảo vệ những nhóm nhỏ dễ tổn thương khi chưa có vắc xin và vì thế, có thể khôi phục lại các hoạt động kinh tế sớm nhất.
-------------
WHO đã tuyên bố đại dịch toàn cầu; chủng virus ecov là rất mạnh và gần như không kiểm soát được; các hàng rào biên giới đang được dựng lên. Các Chính phủ đang phải ra những quyết định rất cân não, khó khăn để giải quyết vấn đề chưa từng xảy ra liên quan đến sức khỏe của cả cộng đồng, của cả dân tộc.
Câu hỏi nằm ở chỗ: liệu con virus này có xuất hiện trở lại các xã hội phương Đông nếu "cách ly" - biện pháp chữa trị của phương Đông - bị gỡ bỏ khi dịch giảm xuống; và liệu cách chữa bệnh của Phương Tây (bị cho là vô đạo đức và đầy rủi ro) sẽ làm cho đỉnh dịch qua nhanh để phục hồi kinh tế nhanh?
Còn quá sớm để trả lời những câu hỏi này, nhưng đến nay phương Đông đang có ca nhiễm dương tính ít hơn, số người chết ít hơn.
Tất cả các quốc gia, cả Đông và Tây, đều đang nỗ lực để chống lại con virus nCoV, và cùng… đợi vắc xin.
Nguồn: Tư Giang/ vietnamnet.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC