Lúc Lương Vũ Đế còn chưa trị vì triều Lương thời Nam Bắc triều, từng quen biết một người đàn ông rất nghèo khổ. Sau khi Lương Vũ Đế tại vị, có một ngày ông đến Uyển Lý ngao du thì gặp lại người nghèo khổ này đang ở trên bờ sông.
Lương Vũ Đế tiến lại gần người này và hỏi thăm. Sau khi biết rằng người này vẫn sinh sống bằng nghề chèo thuyền nghèo khổ như trước đây, Lương Vũ Đế nói: “Ngày mai ông hãy đến gặp ta, ta sẽ phong cho ông chức huyện lệnh.”
Ngày hôm sau, người đàn ông nghèo khổ này tìm đến chỗ Hoàng đế Lương Vũ Đế ở để gặp ông nhưng không gặp được. Sau ngày hôm ấy, người đàn ông nghèo khổ này lại đến tìm gặp Lương Vũ Đế nhiều lần nữa, nhưng đều bởi vì xảy ra việc này việc khác mà không gặp được, cho nên mãi vẫn không thể nhận được chiếu thư nhậm chức.
Người đàn ông nghèo này biết rằng có rất nhiều bậc cao tăng đắc đạo, thông qua tu luyện có thể thấu hiểu nhân quả. Ông ta cũng có quen biết một vị cao tăng như vậy, bèn đến gặp vị cao tăng đó để hỏi về nguyên nhân của sự tình mà mình đang gặp phải.
Người đàn ông nghèo khổ khi tới nơi, còn chưa mở miệng hỏi thì vị tăng nhân đã biết, cao tăng nói: “Thí chủ là bởi vì không được ban chức huyện lệnh nên đến hỏi ta đúng không?”
Người đàn ông nghèo khổ nói: “Ngài đã biết điều tôi muốn hỏi rồi, vậy xin ngài cho tôi biết lý do?”
Vị tăng nhân nói: “Thí chủ trước sau gì cũng không được chức ấy đâu. Bởi vì trong kiếp trước, Lương Vũ Đế từng là vị trai chủ (người chuyên bố thí nuôi tăng nhân), thí chủ khi ấy đã từng viết thư muốn gửi cho Lương Vũ Đế 500 lượng bạc, nhưng cuối cùng mãi vẫn không giao cho ông ấy. Cho nên, kiếp này, Lương Vũ Đế hứa cho thí chủ làm huyện lệnh, nhưng thí chủ sẽ vì việc này việc khác mà mãi vẫn không thể được chức ấy.”
Người đàn ông nghèo khổ này hiểu được mối nhân duyên giữa mình và Lương Vũ Đếnên từ đó về sau không đến tìm Hoàng đế Lương Vũ Đế nữa mà Lương Vũ Đế cũng không tìm đến người này nữa.
Tượng Phật trong tư thế xếp bằng thường thấy của người tu luyện tại Sri Lanka. (Ảnh qua Pixabay)
Nhà Phật có câu: “Nhân sinh sống ở trong mê”. Mọi người bình thường gặp phải chuyện này chuyện kia, kỳ thực cũng không phải là việc ngẫu nhiên, mà đều là có căn nguyên và kết quả. Một người chỉ có thông qua tu luyện, sau khi được khai trí khai huệ mới có thể nhìn rõ hết thảy nguyên nhân của sự tình.
Kỳ thực, rất nhiều chuyện trong đời không thể dùng ý chí của con người mà có thể thay đổi được. Những tranh đấu của con người, những chấp nhất dục vọng không buông bỏ xuống được thì ngoài việc tăng thêm thống khổ cho bản thân, khiến bản thân tạo thêm nghiệp ra thì về căn bản là không thể thay đổi được sự tình gì lớn lao.
Cho nên, trong xử thế làm người, cổ nhân luôn giảng phải “kính Trời, biết mệnh”, “thuận theo tự nhiên”, “tùy kỳ tự nhiên”, mọi việc không nên quá cưỡng cầu và cố chấp, nên thủy chung bảo trì tâm bình thản và bình tĩnh thì mới có thể sống được an nhiên, tự tại.
An Hòa
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC