Cách đây 57 năm, vào buổi sáng thứ 3, một tiếng báo động chói tai đã phát ra từ Vịnh San Francisco. Đây là tiếng còi báo động vượt ngục của nhà tù Alcatraz - nơi vốn được xem là nổi tiếng kiên cố, tù nhân không thể đào thoát.
Ngày 12/6/1962 trở thành ngày đánh dấu 3 tù nhân Frank Morris, John và Clarence Anglin biến mất khỏi phòng giam. Cho đến nay, giai thoại về họ vẫn còn có sức hút khi nhiều người tự hỏi liệu họ còn sống không?
Nhà tù Alcatraz nằm trên một hòn đảo được bao bọc bởi làn nước lạnh buốt và cá mập. Ảnh: Independent.co.uk.
Vượt ngục táo bạo
Tại những phòng giam mà 3 tù nhân trốn thoát, khăn và quần áo đã được xếp lại trông giống như có người nằm dưới chăn với những chiếc đầu làm từ xà phòng, thuốc đánh răng, giấy vệ sinh và bụi bê tông. Tóc của những hình nhân được lấy từ tóc thật ở chỗ cắt tóc dành cho tù nhân. Dù không thực sự giống thật, song những hình nhân này cũng đủ đánh lạc hướng lính canh đi tuần mỗi đêm.
Một cuộc truy lùng quy mô lớn đã diễn ra với sự tham gia của các đặc vụ liên bang, cảnh sát bang và địa phương, lực lượng bảo vệ bờ biển, trực thăng quân sự và ít nhất 100 binh sĩ có vũ trang.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng không tìm thấy Frank Morris, John và Clarence Anglin.
Ba kẻ đào tẩu và những hình ảnh được cho là của họ khi về già. Ảnh: Independent.co.uk.
Kể từ sau cuộc vượt ngục, có những nguồn tin cho rằng anh em nhà Anglin đã gửi thiệp Giáng sinh cho mẹ họ, cũng như cuộc gặp giữa Frank Morris với một người họ hàng tại San Diego. Hay việc bộ ba đã gửi tấm thiệp cho tù nhân Clarence Carnes, trong đó ghi "nhiệm vụ hoàn tất".
Sự nổi tiếng của họ thậm chí còn lớn hơn khi nhà chức trách nhiều lần khẳng định ba tù nhân vượt ngục đều đã chết đuối; và họ càng được biết đến nhiều khi bộ phim Escape from Alcatraz ra mắt năm 1979, chỉ 6 tháng trước khi Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo đóng lại vụ án, xác nhận 3 người họ đã chết.
Kế hoạch táo bạo
Thông qua lời kể của Allen West, một tù nhân có ý định trốn cùng nhóm, nhà chức trách đã biết được trong suốt 6 tháng, cuộc vượt ngục đã được Morris lên kế hoạch kỹ lưỡng như thế nào.
Morris mồ côi từ năm 11 tuổi và bị kết tội lần đầu vào năm 13 tuổi, có chỉ số IQ ở trong tốp 2% của dân số Mỹ. Morris cùng 3 gã đàn ông đã sử dụng thìa ăn, những lưỡi cưa mà mà họ tìm thấy ở sân nhà tù, máy khoan được làm từ động cơ của một máy hút bụi bị hỏng, để đào hố rộng 1,5 m trong phòng giam có diện tích 2,7 m.
Đàn của Morris đã được dùng để lấn át tiếng đào. Dấu vết của lỗ đào được che dấu bằng các tạp chí trong thư viện nhà tù.
Ban đầu, họ giả vờ ngủ để đánh lạc hướng các quản giáo, trong khi thực sự cứ mỗi tối, nhóm này lại âm thầm tới xưởng bí mật trên mái nhà, thông qua những lỗ họ đào trong phòng giam và những hành lang không bị giám sát, hay dùng đường ống nước làm bậc thang.
Trên mái nhà, họ âm thầm làm áo phao và thiết kế bè từ những chiếc áo mưa. Chiếc bè này có thể được thổi phồng lên từ đàn của Morris và được thiết kế dựa trên bài viết trong tạp chí Popular Mechanics ở thư viện nhà tù.
Đêm ngày 11/6, đúng 21h30, nhóm này đợi sau lần điểm danh cuối cùng trong ngày để leo lên mái nhà. Mang theo bè tự chế, ba tên tội phạm đã chui qua đường ống to để xuống mặt đất, trước khi cắt qua hàng rào. Sau 22h, nhóm này đã thoát khỏi Alcatraz, vượt qua đám sương mù dày đặc và hướng đến mục tiêu đầu tiên là đảo Angel, cách 2 dặm về phía Bắc.
Từ đó, họ đi theo hướng Tây và lên kế hoạch về đất liền, thay quần áo tù nhân và đánh cắp xe để di chuyển. Tuy nhiên, theo FBI, mặc dù vụ vượt ngục đã gây chú ý rất lớn, song không có vụ việc nào được ghi nhận như vậy trên đất liền trong khoảng thời gian trên.
Alcatraz trở thành cảm hứng cho các cuộc đua thuyền America's Cup. Ảnh: Independent.co.uk.
Lá thư bí ẩn
Trong suốt 17 năm điều tra, FBI kết luận không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ba tên tội phạm còn sống tại Mỹ hay nước ngoài. Tuy nhiên, một đầu mối gây tò mò nhất đã xuất hiện vào tháng 1/2018. Đó là một bức thư tay gửi tới Sở cảnh sát Francisco vào năm 2013, song chỉ được kênh truyền hình địa phương KPIX5 công bố 5 năm sau đó.
Bức thư mở đầu bằng: "Tên tôi là John Anglin. Tôi đã thoát khỏi Alcatraz vào tháng 6/1962. Vâng, tất cả chúng tôi đã đào thoát đêm đó, nhưng chỉ vừa đủ sức". Bức thư nói rằng Morris đã sống cho đến năm 2005 và Clarence Anglin đã qua đời năm 2008.
John Anglin viết trong thư rằng ông ta đã dành nhiều năm sống ở Seattle, 8 năm tại Bắc Dakota và sau đó là định cư tại Nam California. Trong lá thư viết năm 2013, ông ta cho biết mình đã 83 tuổi và sức khỏe đang rất yếu và muốn có thỏa thuận với cảnh sát.
“Tôi đang bị ung thư. Nếu các vị công bố thông tin này trên tivi và hứa rằng tôi sẽ đi tù không quá 1 năm và được chăm sóc y tế, tôi sẽ viết thư hồi đáp để tiết lộ mình đang ở đâu. Đây không phải trò đùa", trích nội dung lá thư.
Kiểm tra lá thư, vân tay và dấu vết ADN ở phòng thí nghiệm FBI đã không cho ra được kết quả rõ rõ ràng. Tuy nhiên, David Widner, cháu trai của anh em nhà Anglin, khẳng định họ đã gửi thư cho mẹ mình.
Bà của Widner đã nhận được hoa hồng và những tấm thiệp sau năm 1962. Widner cho rằng họ đã vượt ngục thành công khỏi Alcatraz, song đã nhận được bài học sâu sắc và không còn phạm pháp như hồi trẻ nữa.
Sau khi đóng cửa, Alcatraz đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng tại San Francisco. Ảnh: Independent.co.uk.
Nhà tù Alcatraz đã bị đóng cửa vào ngày 21/3/1963, chưa đầy một năm sau vụ vượt ngục. Có thể nói, cuộc vượt ngục của Frank Morris và anh em nhà Anglin đã góp công rất lớn trong việc khiến điểm du lịch này tại San Francisco trở nên nổi tiếng.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC