Khi soi mình trong gương, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh một cách tức thời các yếu tố như ánh sáng, góc nghiêng, biểu cảm khuôn mặt sao cho hình ảnh hiện lên là đẹp nhất. Đây cũng là lý do khiến phiên bản trong gương của một người thường đẹp hơn trong ảnh chụp.
Trên thực tế, hình ảnh trong gương lại là phiên bản đảo ngược của ngoại hình chúng ta ngoài đời thực. Khi thường xuyên soi gương hàng ngày, bạn sẽ cảm thấy quen thuộc với hình ảnh đảo ngược này và nghiễm nhiên mặc định đó chính là mình, các chuyên gia gọi hiện tượng này là hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên. Do đó, khi được thực sự chiêm ngưỡng dung nhan thật (không bị đảo ngược), thông qua các bức ảnh chụp, nhiều người sẽ cảm thấy một chút bất ngờ vì sự khác biệt cũng là vì lý do này.
Khi soi mình vào gương, bộ não sẽ khiến chúng ta không nhận thấy sự khác nhau về ánh sáng ở các vị trí, thay vào đó nó sẽ tự “xử lý” để dàn đều ánh sáng lên toàn bộ hình ảnh thu được. Ngược lại, camera lại đảm bảo tính chính xác về sáng tối của mọi chi tiết trên khung hình và đôi khi điều này lại khiến bạn trong ảnh trở nên “xấu tệ”.
Nhà nghiên cứu Nolan Feeney đã giải thích rằng, chúng ta thường soi gương khi ở nhà hoặc ít nhất là ở một nơi mình cảm thấy an toàn, điều này khiến bản thân tự tin và thoải mái hơn, giúp khuôn mặt luôn ở trạng thái tự nhiên nhất. Ngược lại, khi chụp ảnh chúng ta sẽ có đôi chút căng thẳng và gượng gạo, bởi phải cố tập trung tạo dáng: căng to không được chớp mắt, cố tình nhếch môi để tạo nụ cười giả. Đó là còn chưa kể đến những áp lực từ phó nháy, những người đang chứng kiến và cả sự lo lắng về đáng giá của mọi người khi bức hình được đăng lên mạng xã hội.
Khi nhìn vào gương, chúng ta thường chỉ tập trung vào một số phần trọng tâm của khuôn mặt như môi, mũi, mắt… và ít khi để ý đến vẻ đẹp tổng thể. Trong khi đó, khi nhìn vào ảnh chụp, con người lại đánh giá ngoại hình một cách toàn diện, đồng thời còn soi vào những yếu tố mà thường ngày chẳng mấy khi đến ý đến như: biểu hiện khuôn mặt hay tư thế chụp…
Các nhà nghiên cứu đến từ đại học Chicago đã chứng minh được rằng, con người thường có suy nghĩ ngoại hình của họ ưa nhìn hơn so với thực tế.
Cụ thể, trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã lấy những bức ảnh của tình nguyện viên; tiếp theo xử lý chúng thành hai phiên bản: “xấu hơn” và “đẹp hơn”; sau đó, các tình nguyện viên được yêu cầu lựa chọn bức ảnh thể hiện đúng với ngoại hình thực tế của họ. Kết quả, tuyệt đại đa số phiên bản ảnh “đẹp hơn” đã được chọn.
Minh Nhật
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC