*Bài viết theo quan điểm của Jeffrey Sachs - giáo sư ĐH Columbia (Mỹ)
Với 678.000 ca tử vong được ghi nhận ngày 22/9 (và sẽ còn tăng lên), COVID-19 đã chính thức trở thành đại dịch chết chóc bậc nhất lịch sử Hoa Kỳ, vượt qua cả số ca tử vong trong dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918. Và thậm chí, COVID-19 đã sát hại nhiều người Mỹ hơn cả số binh lính của quốc gia này đã chết trong nhiều cuộc chiến tranh trước kia cộng lại.
Nhưng tại sao dịch bệnh lại khiến nước Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề như vậy? Có một thực tế là dù COVID-19 nguy hiểm, nhưng trong số những người đã nằm xuống, rất nhiều trường hợp đáng lẽ đã có thể ngăn chặn. Đáng lẽ, họ đã không phải chết.
COVID-19 đã chính thức trở thành đại dịch chết chóc bậc nhất lịch sử Hoa Kỳ
Thứ trực tiếp giết chết họ đúng là dịch bệnh. Nhưng chính nền văn hóa chia rẽ của người Mỹ - cả trong chính trị, kinh tế lẫn với cá nhân - đã gián tiếp biến thảm họa trở thành một nỗi đau cùng cực.
Một đại dịch chết chóc đến từ những sai lầm
Với dân số trên 330 triệu người, nghĩa là cứ mỗi 1 triệu dân có 2048 người đã chết - một tỉ lệ tử vong nằm trong top đầu của thế giới. Chỉ vài quốc gia ở Nam Mỹ và châu Âu vượt được tỉ lệ này mà thôi.
Tỉ lệ như vậy là quá cao, nhất là khi sau này chính nước Mỹ đã sản xuất được vaccine COVID-19 với khả năng ngăn ngừa phần lớn các ca tử vong. Lý do vì các phản ứng của họ - thay vì đưa ra những quy tắc chống dịch ngay từ đầu, cách họ phản ứng rất hỗn loạn và có phần phóng túng.
Kể cả khi có vaccine, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa là có thể ngăn được virus lây lan ra cộng đồng
Sẽ có rất nhiều sinh mạng được cứu sống nếu như nước Mỹ chấp nhận ban hành các quy tắc chống dịch ngay từ ban đầu cho đến khi phủ được vaccine. Chúng bao gồm đeo khẩu trang bắt buộc, giãn cách xã hội, lần vết dịch bệnh và đóng toàn bộ các sự kiện tập trung đông người. Kể cả khi có vaccine, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa là có thể ngăn được virus lây lan ra cộng đồng (bởi vaccine chỉ phần nào ngăn được việc lây nhiễm mà thôi).
Đây cũng là con đường mà Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, và New Zealand đã theo đuổi. Số ca tử vong trên 1 triệu dân của họ chỉ bằng một phần rất nhỏ so với Mỹ - dưới 50 người. Nếu như tỷ lệ của Mỹ chỉ ở mức này, nghĩa là 650.000 con người đã không phải chết vì COVID-19.
Nền văn hóa của nước Mỹ nhiều lần cho thấy cái tôi quá cao, thể hiện sự thiển cận và thiếu thông tin, để rồi không thể ngăn chặn được số người chết và ca nhiễm ngày một tăng. Rồi khi vaccine xuất hiện, công chúng và nhiều chính trị gia đã lập tức đòi quyền tự do. Thứ tự do họ muốn là tự do không đeo khẩu trang, tự do tụ tập đông người, tự do từ chối vaccine, và tự do lây nhiễm cho người khác.
Những biện pháp phòng dịch dù là rất nhỏ thôi cũng có thể bị đối xử như một một quy định phá hoại sự tự do. Trường học cũng không còn bắt buộc đeo khẩu trang, bất chấp việc trẻ em phải đối mặt với rủi ro nhiễm bệnh vì chưa đủ tuổi tiêm vaccine.
Những ca tử vong vì COVID-19 đã từng là một thảm kịch của tự nhiên, nhưng dần chuyển thành bi kịch của một văn hóa chia rẽ.
Sự ích kỷ và chia rẽ ngày càng leo thang. Người nghèo, người da màu bị điều đi lên tuyến đầu làm việc với rất ít biện pháp bảo vệ. Khẩu trang từng trở thành mục tiêu của sự nhạo báng. Chúng ta chứng kiến nhân viên y tế, nhân viên bán hàng, thu ngân bị dọa dẫm, thậm chí sát hại vì yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang.
Cùng với đó là một đại dịch tin giả ngập tràn trên mạng xã hội mà không thể kiểm soát. Nước Mỹ được xem là mảnh đất của sự tự do, nhưng sự tự do ấy thiếu đi tính trách nhiệm.
COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Số ca tử vong tại Mỹ đang tiếp tục tăng lên, trung bình lên tới 1900 ca mỗi ngày (trong 7 ngày gần nhất). Những ca tử vong vì COVID-19 đã từng là một thảm kịch của tự nhiên, nhưng dần chuyển thành bi kịch của một văn hóa chia rẽ. Sự sống cần được ươm mầm, thay vì mang đến sự diệt vong.
J.D (Theo CNN)
Nguồn: suckhoedoisong.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC