Thủy Tiên trong lần đi làm từ thiện (Ảnh: FB)
Cụ thể vào đầu tháng 9/2021, bà Ph. đã gửi đơn đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM tố cáo Trần Thị Thủy Tiên có hành vi vi phạm pháp luật, khuất tất trong việc giải ngân số tiền kêu gọi quyên góp cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung vào thượng tuần tháng 10/2020.
Trên CAND đưa tin, theo bà Ph., nữ ca sĩ Thủy Tiên công bố trên trang cá nhân, tổng số tiền công chúng gửi đến là gần 178 tỷ đồng và đã giải ngân toàn bộ, chuyển đến nơi cần được trợ giúp. Tuy nhiên, bà Ph. và cộng đồng mạng đã phát hiện có một số khuất tất về tổng số tiền lên đến hơn 81 tỷ đồng.
Còn theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng các tỉnh miền Trung, cụ thể: Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… báo cáo, phần lớn họ xác nhận Thủy Tiên có đến trao từ thiện nhưng không nắm rõ được số tiền nữ ca sĩ phát có khớp với thông báo ban đầu hay không.
Đối với Quảng Bình, cả UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đều cho báo chí hay, không có số liệu tổng số tiền ca sĩ này làm từ thiện tại địa phương vì Thủy Tiên đã chủ động liên lạc với chính quyền các xã và phối hợp, trao hỗ trợ trực tiếp cho người dân chứ không thông qua tỉnh nên 2 cơ quan này không thể nắm rõ.
Việc Thuỷ Tiên và Công Vinh tự phát tiền cho người dân mà không thông qua UBMTTQ tỉnh hay Ban Dân vận tỉnh nên việc xác nhận tổng số tiền cô đã từ thiện ở Quảng Bình hiện nay khó khăn. Ước tính, Thuỷ Tiên đã cứu trợ 50,5 tỷ đồng cho khoảng 15.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Con số này hiện mới được công bố thông qua các kênh không chính thống, chưa có xác nhận của tỉnh Quảng Bình.
Vợ chồng nữ ca sĩ Thủy Tiên trong buổi sao kê (Ảnh: Huy Hậu)
Theo dõi diễn biến vụ việc, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, “theo quy định của pháp luật, trong trường hợp không chứng minh được số tiền chênh lệch đã phân phát và số tiền các mạnh thường quân đã đóng góp thì người đứng ra kêu gọi từ thiện có trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền đó cho những người đã đóng góp”.
Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có sự gian dối trong việc giả mạo lập giấy tờ, chứng từ để khai khống số tiền đã phát hoặc có những thủ đoạn gian dối khác để chiếm đoạt một phần số tiền từ thiện thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong quá trình xác minh tin báo, nếu có căn cứ cho thấy bất kỳ người nào có liên quan đến hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện mà đã gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó, có thể là một người cũng có thể là nhiều người cùng vi phạm.
“Số tiền gần 200 tỷ đồng là rất lớn, nếu thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng và của những người đã quyên góp tiền trong quá trình quản lý, phân phát tiền thì cám dỗ hoàn toàn có thể xảy ra, nếu không làm chủ được bản thân, không có cái tâm từ bi rất lớn thì sai phạm là khó tránh. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ và có kết luận để quyết định giải quyết theo quy định của pháp luật”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường nói.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC