“Số người nhiễm bệnh không triệu chứng có thể lên tới khoảng 25%. Điều này rất quan trọng bởi những người không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào có thể góp phần lây truyền virus”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bện Mỹ (CDC) Robert Redfield nói với NPR ngày 31/3.
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện vào tháng 12/2019, các nhà nghiên cứu đã chú ý tới giả thuyết đáng lo ngại về những người cỏ vẻ “khỏe mạnh” lại vô tình trở thành nguồn lây nhiễm virus.
Nhân viên cửa hàng tạp hóa tại Merrick, New York đeo khẩu trang và tấm chắn bằng nhựa khi đi nhặt găng tay đã qua sử dụng ngày 31/3. Ảnh: AFP.
“Bệnh nhân Z”, 26 tuổi, sống tại Quảng Đông, Trung Quốc có tiếp xúc gần với một người Vũ Hán bị nhiễm nCoV hồi tháng 2. “Bệnh nhân Z” không cảm thấy dấu hiệu sau 7-11 ngày gặp người nhiễm bệnh, song virus xuất hiện nhiều trong mũi và cổ họng vào ngày thứ 7. “Bệnh nhân Z” có thể cảm thấy ổn song người này đã nhiễm nCoV.
Theo một nghiên cứu, khoảng 18% người nhiễm nCoV trên du thuyền Diamond Princess không biểu hiện triệu chứng. Một nghiên cứu của các chuyên gia tại Hong Kong cho biết khoảng 20-40% trường hợp lây nhiễm ở Trung Quốc diễn ra trước khi xuất hiện triệu chứng.
“Điều này giải thích lý do nCoV lây lan nhanh chóng như vậy trên toàn nước Mỹ”, Redfield nói. CDC nhiều lần khuyến cáo người bình thường không cần đeo khẩu trang trừ khi họ cảm thấy mình bị bệnh. Tuy nhiên, với thông tin mới về những người nhiễm nCoV không biểu hiện bệnh hoặc phát tán virus vài ngày trước khi có triệu chứng, Redfield nói “cần phải xem lại khuyến cáo đó”.
Redfield cùng các chuyên gia khác cho biết do vaccine vẫn đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên, cách tốt nhất để ngăn Covid-19 là thực hiện “cách biệt cộng đồng”. Việc yêu cầu những người không cảm thấy khỏe ở nhà là chưa đủ do những người nhiễm nCoV dù cảm thấy ổn vẫn có thể lây cho người khác. Đây là lý do nhiều chuyên gia khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang để ngăn nCoV lây lan, bất chấp khuyến nghị của CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại 202 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 858.000 ca nhiễm nCoV, hơn 42.000 người tử vong và hơn 178.000 người đã hồi phục. Mỹ, Italy và Tây Ban Nha là ba quốc gia có số người nhiễm cao nhất thế giới.
Nguyễn Tiến (Theo NYT)
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC