Người Mỹ phẫn nộ tột độ sau vụ khủng bố 11/9 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Mục tiêu hàng đầu của chính phủ Mỹ sau đó là tìm kiếm, tiêu diệt, trả thù Osama bin Laden, chủ mưu vụ tấn công đẫm máu năm 2001. Nhưng hành trình đó không đơn giản, nó kéo dài cả 1 thập kỷ và kết thúc bằng một chiến dịch chóng vánh được truyền hình ảnh trực tiếp về Nhà Trắng vào tháng 5/2011.
Hang ổ của Bin Laden nằm ở ngoại ô Abbottabad, tây bắc Pakistan, cách thủ đô Islamabad 100 km.
Nơi ẩn náu của trùm khủng bố là một khu nhà nằm tách biệt xung quanh với những bức tường kiên cố cao tới 5m giăng dây kẽm gai, được canh gác cẩn mật. Khu nhà nằm cách Học viện Quân sự Pakistan chỉ 1,3 km, không kết nối điện thoại hay Internet.
Sơ đồ nơi ẩn náu của bin Laden. (Đồ họa: TechNews)
Người dân địa phương gọi khu nhà này là Dinh thự Waziristan và nghĩ rằng chủ nhân của nó là người làm nghề chuyên chở đến từ vùng Waziristan hoặc một người buôn vàng.
Mỹ gần như không có bất cứ thông tin nào về việc Osama bin Laden ẩn náu tại đây cho tới khi xác định được một trong những người đưa tin của trùm khủng bố thường xuyên qua lại nơi này vào tháng 8/2010 sau nhiều năm thu thập thông tin.
Từ kết luận này, Trung tâm chống khủng bố Quốc gia Mỹ sử dụng tin tình báo do máy bay không người lái thu thập, phác thảo "bản đồ" chi tiết 4 chiều về khu nhà và các mô hình về sinh hoạt bên trong, trước khi triển khai chiến dịch đột kích vào đêm 30/4, rạng sáng 1/5/2011. Vào 22h30 tối 30/4/2011, 24 lính biệt kích SEAL di chuyển bằng trực thăng đáp xuống tòa nhà, chia thành 2 nhóm.
Họ thoát xuống bằng dây thừng từ máy bay Blackhawk, dùng mìn công phá các bức tường của khu phức hợp kiên cố trước khi chạm trán với các tay súng bảo vệ Osama bin Laden ở căn nhà trung tâm. Osama bin Laden và nhóm biệt kích chạm mặt nhau tại căn phòng trên tầng 2 hoặc tầng 3 của khu nhà.
Trong căn phòng khi đó có một khẩu AK-47 và một khẩu Makarov, nhưng trùm khủng bố không mang theo khi bị bắn.
Theo Politico, cuộc chạm mặt chỉ kéo dài vài giây và kết thúc bởi phát đạn ghim vào mắt trái, thổi bay hộp sọ trùm khủng bố. Để chắc chắn Osama bin Laden đã chết, các biệt kích SEAL nã thêm 1 viên đạn vào ngực y.
Tổng thống Obama và các quan chức Mỹ theo dõi chiến dịch từ phòng Tình huống. (Ảnh: Reuters)
Ngoài những người bị bắt sống, 2 người khác bị thương, Osama bin Laden cùng 4 người khác bị tiêu diệt trong chiến dịch là con trai của Osama bin Laden, người đưa tin và vợ, và người vợ trẻ nhất của Bin Laden.
Xác của trùm khủng bố bị đưa đi, nhưng xác 3 người còn lại bị bỏ lại sau đó được Pakistan thu giữ. Toàn bộ chiến dịch đột kích này được tường thuật trực tiếp tới phòng Tình huống của Nhà Trắng, nơi Tổng thống Obama cùng nhiều quan chức trong chính quyền nín thở theo dõi từng chi tiết.
Tới 23h30 đêm 1/5, Tổng thống Obama lên truyền hình tuyên bố với người dân Mỹ về chiến dịch, chính thức xác nhận trùm khủng bố khét tiếng mà nước Mỹ săn lùng gần 1 thập kỷ bị tiêu diệt.
Vài phút sau khi thông báo được phát đi, dòng người tập trung bên ngoài Nhà Trắng, Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc và trong Quảng trường Thời đại để ăn mừng.
Cựu tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush khẳng định "chiến dịch mang tính lịch sử này đánh dấu chiến thắng cho Mỹ, cho người dân tìm kiếm nền hòa bình khắp thế giới và cho tất cả những ai mất người thân ngày 11/9.
Xác của Osama bin Laden được thủy táng từ tàu sân bay USS Carl Vinson 1 tháng sau khi y chết. Nơi thủy táng cho tới nay vẫn không được tiết lộ.
Song Hy
Nguồn: vtc.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC