Một số bệnh truyền nhiễm không chỉ khiến người ta mất mạng, mà còn khiến người ta chết một cách đau đớn. Trong lịch sử loài người đã ghi nhận 6 căn bệnh truyền nhiễm kinh hoàng, cướp đi vô vàn mạng sống, đến nay khi nhắc lại, chúng vẫn là nỗi khiếp sợ của nhiều người.
Số 6: Bệnh tả
Bệnh tả là bệnh tiêu chảy cấp tính dễ lây do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra, đặc điểm chính của nó là lây truyền nhanh, khởi phát nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là tiêu chảy và nôn nhiều. Thời gian ủ bệnh thường từ 1 đến 3 ngày. Nếu không chữa kịp thời, bệnh nhân có thể chết vì tiêu chảy và mất nước trong vài giờ.
Ảnh: Vi khuẩn Vibrio cholerae
Bệnh tả chủ yếu do vi khuẩn trong nước thải xâm nhập vào cơ thể người, do đó nguồn nước và vệ sinh thực phẩm là nguyên nhân chính gây ra bệnh tả. Phân của người bệnh tả sẽ chứa vi khuẩn Vibrio cholerae, khi thải ra môi trường xung quanh cũng có khả năng gây bệnh tả và lây nhiễm cho người khác.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu liên quan, có khoảng 1.3 triệu đến 4 triệu trường hợp mắc bệnh tả và 21.000 đến 143.000 ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Bệnh tả thường xảy ra ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém, đói kém, chiến tranh và những khu vực đông đúc.
Số 5: Ebola
Sốt xuất huyết Ebola là một bệnh truyền nhiễm rất cao do vi rút Ebola gây ra, được con người phát hiện lần đầu tiên ở Châu Phi vào những năm 1970. Sốt xuất huyết do vi rút Ebola gây ra là loại sốt xuất huyết do vi rút gây tử vong cao nhất, bệnh nhân cuối cùng sẽ tử vong do xuất huyết khắp cơ thể.
Người mắc bệnh thường bị sốt cao đột ngột, đau họng, đau đầu, đau cơ và suy nhược, sau đó bắt đầu tiêu chảy và nôn mửa. Thường trong vòng hai tuần sau khi phát bệnh, toàn thân xuất huyết do virus tràn vào, người bệnh có thể tử vong trong vòng 24 giờ, tình trạng khi tử vong rất kinh khủng.
Ảnh: Nhân viên y tế xử lý xác bệnh nhân Ebola.
Thời gian ủ bệnh của vi rút Ebola trong cơ thể người thường là từ 2 đến 21 ngày, lây truyền chủ yếu qua dịch cơ thể, trong đó có máu, chất nôn và phân của bệnh nhân Ebola là dễ lây nhiễm nhất. Quan trọng hơn, hiện chưa có phương pháp điều trị hiệu quả đối với Ebola, tỷ lệ tử vong rất cao, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách một trong những loại vi rút nguy hiểm nhất đối với con người.
Số 4: Cúm Tây Ban Nha
Nhiều người nghĩ rằng cúm chỉ là một bệnh nhẹ thông thường, nhưng cúm Tây Ban Nha không phải là bệnh cúm thông thường, nó từng trực tiếp gây ra cái chết cho khoảng 100 triệu người.
Bệnh nhân cúm Tây Ban Nha sẽ có các biểu hiện như sốt cao, nhức đầu, chán ăn, da xanh, đau nhức cơ, chán ăn, ho ra máu. Tỷ lệ tử vong ở thanh niên từ 20 đến 35 tuổi rất cao, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng vào buổi sáng và phát bệnh ngay vào buổi trưa, tử vong ngay trong đêm hôm đó.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, dịch cúm Tây Ban Nha từng hoành hành trên thế giới, giết chết 25-40 triệu người trong vòng 6 tháng, Cúm cũng là nguyên nhân khiến Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc sớm.
Tuy nhiên, dịch cúm Tây Ban Nha đã biến mất một cách bí ẩn sau 18 tháng hoành hành, và các chủng gây ra nó vẫn chưa được xác định đầy đủ cho đến nay.
Số 3: Bệnh dịch hạch - Cái chết đen
Bệnh dịch hạch còn được gọi là Cái chết đen, và nó thường là bệnh đặc hữu của loài chuột. Sự lây lan của bệnh dịch hạch là qua vết cắn của các loài gặm nhấm và bọ chét để truyền mầm bệnh từ chuột sang người, từ đó gây bệnh truyền từ người sang người.
Đây là một bệnh rất dễ lây lan, cũng có thể lây qua đường hô hấp. Nếu bệnh dịch không được điều trị, tỷ lệ tử vong cao tới 50-70% .Các nghiên cứu sau đó phát hiện ra rằng mầm bệnh của bệnh dịch hạch là một loại vi khuẩn, được gọi là trực khuẩn Yersinia hay Yersinia pestis.
Ảnh: Thi thể một bệnh nhân mắc bệnh dịch hạch được đưa vào khu vực cách ly
Trong lịch sử loài người, từng xảy ra nhiều trận đại dịch hạch thảm khốc, khiến dân số toàn cầu giảm mạnh, xã hội tê liệt. Trong nửa sau của thế kỷ 20, loài người cuối cùng đã kiểm soát được đại dịch hạch, hiện nay bệnh này rất hiếm xuất hiện.
Số 2: Sốt rét
Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do côn trùng gây ra, cụ thể là muỗi Anopheles cái cắn hoặc truyền máu của người mang ký sinh trùng sốt rét, từ đó làm người bị đốt nhiễm ký sinh trùng.
Triệu chứng chính của bệnh là sốt cao đột ngột và ớn lạnh, kèm theo mệt mỏi và đau đầu. Bệnh sốt rét là một trong những kẻ giết người lớn nhất trong lịch sử loài người, và nó dường như luôn tồn tại trong xã hội loài người, cùng với sự phát triển của con người.
Từ khoảng 5.000 năm trước, bệnh sốt rét dần dần lan rộng từ Châu Phi ra thế giới, cho đến khi bùng phát toàn cầu vào đầu thế kỷ 20. Trong 100 năm qua, bệnh sốt rét đã gây ra khoảng 300 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, ngày nay vẫn còn hơn 1 triệu người mắc và chết vì sốt rét.
Số 1: Bệnh đậu mùa
Đậu mùa, một bệnh truyền nhiễm nặng gây nguy hại lớn cho con người, một khi đã mắc bệnh đậu mùa sẽ xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc toàn thân như sốt cao đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi nhiều, chân tay đau mỏi lưng.
Khi bệnh đã tiến triển đến một mức độ nhất định, người bệnh sẽ có phát ban như sẩn, mụn mủ, rát và mụn rộp.
Trước đây, do không có phương pháp điều trị hiệu quả nên tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa rất cao, những người sống sót thường để lại sẹo trên mặt.
Ảnh: Virus đậu mùa
Virus đậu mùa có khả năng sinh sản và lây nhiễm rất mạnh, vẫn có thể tồn tại vài tháng sau khi bệnh nhân chết, thậm chí một mảnh vảy bong ra từ người bệnh cũng có thể lây nhiễm. Người ta ước tính rằng khoảng 500 triệu người trên thế giới đã chết vì bệnh đậu mùa.
Với sự ra đời của vắc xin, con người cuối cùng đã loại bỏ được bệnh đậu mùa. Năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo rằng bệnh đậu mùa đã được loại bỏ hoàn toàn. Cho đến nay, chỉ có một số chủng bệnh được lưu giữ trong các phòng thí nghiệm tiên tiến.
Tuy rằng, vẫn sẽ có những căn bệnh truyền nhiễm mới thách thức nhân loại, trong thời điểm này thì đó là COVID-19. Nhưng nhờ sự tiến bộ của y học, con người có khả năng chiến thắng các bệnh truyền nhiễm và có những thành tựu to lớn trong việc kiểm soát, phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Nguồn tham khảo và ảnh: WHO, Hainan Daily, Life Times
Nguồn: Báo điện tử Tổ Quốc
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC