Một video quay trong hang động nơi đội bóng mắc kẹt cho thấy các cầu thủ nhí từ 11-16 tuổi cùng huấn luyện viên đang chuyện trò cùng các thợ lặn. Các nạn nhân trông hơi gầy và yếu đi, nhưng dường như trạng thái tinh thần vẫn còn lạc quan và tươi cười trước camera khi những nhân viên cứu hộ nói đùa.
“Không ai khóc cả… thật ngạc nhiên”
Theo tờ The Australian, ngay giây phút đầu tiên phát hiện nạn nhân, các thợ lặn đã thấy đội bóng đá thiếu niên đang cùng huấn luyện viên của các em đang ngồi thiền. Sau đó các cầu thủ nhí cho biết, huấn luyện viên 25 tuổi Ekkapol Chantawong đã dạy các em phương pháp thiền định nhằm tiết kiệm và duy trì năng lượng sống trong suốt gần 10 ngày mắc kẹt trong hang.
“[Chantawong] có thể ngồi thiền đến một tiếng, điều này rõ ràng đã giúp thằng bé và có thể cả các cậu bé giữ được bình tĩnh”, người dì Umporn Sriwichai của vị huấn luyện viên cho biết.
Huấn luyện viên đội bóng nhí mắc kẹt trong hang Tham Luang, anh Ekkapol Chantawong với bà ngoại. (Ảnh: Stuff)
Một người mẹ có con trai 11 tuổi mắc kẹt trong hang động cũng đồng ý, rằng tính cách trầm tĩnh của vị huấn luyện viên đã ảnh hưởng đến tinh thần các cậu bé. “Hãy nhìn chúng ngồi đợi thật bình tĩnh. Không ai khóc cả… thật ngạc nhiên”, cô nói.
Tờ The Australian trích lời dì Umporn, cho biết người huấn luyện viên này rất am hiểu về thiền định. Khi Chantawong lên 10 tuổi, một bệnh dịch quái ác đã cướp đi cha, mẹ và em trai 7 tuổi của vị huấn luyện viên này. Mất mát đau thương đã khiến Chantawong trở nên vô cùng đau buồn và cô độc.
2 năm sau đó, những người họ hàng quyết định gửi Chantawong vào một tu viện. Tu viện này đã nuôi dưỡng và dạy dỗ Chantawong trở thành một thanh niên “khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần”.
Huấn luyện viên Ekapol Chanthawong cùng các thiếu niên mắc kẹt trong hang. (Ảnh: Hải quân Thái Lan)
Đồng thời, Chantawong cũng học được những kỹ năng sinh tồn và đặc biệt là phương pháp thiền định đã giúp cho bản thân và các cầu thủ nhí sống sót sau hơn một tuần trong hang mà không có thực phẩm, theo bà Umporn.
“Tôi luôn tin là [Chantawong] sẽ giúp những đứa nhỏ giữ được tinh thần bình tĩnh và lạc quan. Thằng bé rất yêu quý những đứa trẻ, vì thằng bé cũng từng trải qua nỗi đau mất người thân từ khi còn rất nhỏ”, bà Sriwichai nói. “Chúng tôi không thể chịu đựng thêm những bi kịch như vậy nữa”.
David Spiegel, giáo sư tâm lý học hành vi thuộc Đại học Y Stanford (Mỹ) cũng tán đồng rằng thiền định đã giúp các nạn nhân mắc kẹt kiểm soát được trạng thái tinh thần, giúp “cho nỗi sợ và ý nghĩ tiêu cực thổi qua [nhanh] như một cơn bão, thay vì cố gắng chiến đấu lại nỗi sợ”
Những người thân cầu nguyện tại lối vào hang Tham Luang trong khi đội giải cứu tiến hành các hoạt động tìm kiếm các thiếu niên. (Ảnh: AFP)
Đức tin vào Thần Phật cũng có thể là chỗ dựa vững chắc cho các nạn nhân. Anh Omar Reygadas, một thợ mỏ từng mắc kẹt dưới lòng đất trong 69 ngày đêm tại Chile cùng 32 người khác, cho rằng đức tin và cầu nguyện, cũng như sự hài hước là điều rất quan trọng đối với các thợ mỏ lúc bấy giờ.
Thiền định có nguồn gốc ở từ Phương Đông, nhưng đến nay có ngày càng nhiều người phương Tây thực hành các hình thức thiền định khác nhau như thiền chính niệm, Yoga. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng giảm lo âu, căng thẳng, bình tâm và thúc đẩy những cảm xúc tích cực của thiền định. Trong vài thập kỷ trờ lại đây, thế giới cũng ghi nhận nhiều người tu hành đã không ăn, không uống nhưng vẫn sống hàng tháng, thậm chí nhiều năm.
Cậu thiếu niên Nepal ngồi thiền 8 tháng không ăn không uống
Năm 2005, một cậu thiếu niên 15 tuổi người Nepal đã ngồi thiền suốt 8 tháng dưới một gốc cây mà không ăn không uống. Cậu tên là Ram Bahadur Bomjon (sinh ngày 9/5/1989, thỉnh thoảng được gọi là Bomjan hay Banjan), một nhà sư trẻ thuộc làng Ratanapuri, quận Bara, Nepal.
Tin tức về cậu bé ngồi thiền chẳng mấy chốc mà lan ra khắp mọi nơi, kể cả quốc tế. Hay tin, nhóm sản xuất của kênh Discovery đã đến tận nơi để kiểm chứng và quay phim tài liệu. Họ đã ghi hình Ram trong liên tục 96 tiếng đồng hồ ở một địa điểm bên ngoài.
Kết quả là từ đầu chí cuối, Ram chỉ ngồi thiền bất động, không ăn không uống bất cứ thứ gì. Trong môi trường với nhiệt độ 5-10 độ C ở đây, cậu thậm chí còn đổ mồ hôi. Dường như cậu có thể tự sản sinh nguồn nhiệt lượng nội tại trong cơ thế, giống như đang vận động tuy rằng cậu gần như ngồi yên bất động. Nhóm làm phim đã bị chấn động.
Hình ảnh Bomjan ngồi thiền dưới gốc đa. (Ảnh: htzddzsw.com)
Theo các chuyên gia y học, thận sẽ suy kiệt dần rồi chết nếu một người không uống nước trong 4 ngày. Sách kỷ lục Guinness từng ghi nhận một người sống được lâu nhất 18 ngày trong tình trạng không uống nước, nhưng không uống nước suốt 8 tháng như trong trường hợp của Ram thì chắc chắn không thể.
Một ví dụ khác là trường hợp cụ ông 82 tuổi người Ấn Độ tên Prahlad Jani, người đã không ăn không uống trong suốt 70 năm mà vẫn sống rất khỏe mạnh. Khi được hỏi, ông cho biết mình làm được điều này bởi ông là một hành giả yoga.
Hành giả yoga Prahlad Jani. (Ảnh: time.mk)
“Khi đi bộ băng rừng 100 hoặc 200 km, tôi không đổ mồ hôi, không cảm thấy mệt và không buồn ngủ. Tôi có thể ngồi thiền liên tục 3 giờ, 8 giờ, 12 giờ, hoặc hàng tháng“, ông cho biết.
Các học giả Ấn Độ giải thích rằng cậu bé người Nepal đã nắm được cách tu tập cổ xưa nhất của Phật giáo Tây Tạng. Cách hít thở này có thể làm giảm quá trình trao đổi chất của cơ thể, khiến cho sự hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể giảm xuống thấp nhất.
Thực tế đã có nhiều nghiên cứu cho thấy thiền định có thể sản sinh ra những khả năng siêu thường và giúp người thực hành bình tâm, an hòa. Khi người ta ở trong trạng thái nhập tĩnh thâm sâu, nhịp tim và tuần hoàn máu chậm lại, nhu cầu năng lượng của cơ thể cũng chậm lại. Điều này trái ngược hẳn với vận động thể dục, càng vận động thì càng tiêu hao năng lượng. Có lẽ vì vậy mà dù phải trải qua 10 ngày trong không gian chật hẹp, không ánh sáng và thiếu thốn lương thực, các thành viên của đội bóng vượt qua được nỗi sợ hãi, cơn tuyệt vọng… dưới sự dẫn dắt của người huấn luyện viên trẻ tuổi Chantawong.
DKN.TV
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC