Các nước quản thúc tại gia người phạm tội ra sao?

Các nước quản thúc tại gia người phạm tội ra sao?

Giam giữ phạm nhân ngay tại nơi ở, hay còn gọi là quản thúc tại gia, là hình phạt đã có từ thế kỷ 17 và nay đang được áp dụng rộng rãi hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ giám sát từ xa.

132 1 Cac Nuoc Quan Thuc Tai Gia Nguoi Pham Toi Ra Sao

Ứng dụng theo dõi phạm nhân từ xa - Ảnh: HRA

Theo trang Bách khoa toàn thư mở trực tuyến (Wikipedia) phiên bản tiếng Anh, ở mục từ “house arrest” (giam giữ tại nhà), người bị hình phạt này sẽ bị nhà chức trách quản thúc ngay tại nơi ở của họ. Chỉ những người có nhà mới được thực thi án theo hình thức này, dĩ nhiên nếu họ đủ điều kiện được thụ án theo cách đó.

Khi bị giam giữ tại nhà, phạm nhân thường bị hạn chế đi lại, trừ một số trường hợp ngoại lệ được quy định cụ thể như khám chữa bệnh, trình cơ quan điều tra…

Phổ biến từ cuối thế kỷ 20

Về mặt lịch sử, hình phạt giam giữ tại nhà được áp dụng lần đầu vào thế kỷ 17 và người bị phạt đầu tiên được biết tới thời điểm này chính là nhà thiên văn học Galileo khi ông công bố thuyết Nhật tâm trái ngược với thuyết Địa tâm của Thiên Chúa giáo. Án quản thúc tại gia với ông Galileo được tuyên trong phiên tòa nổi tiếng năm 1633.

Tuy nhiên phải tới cuối thế kỷ 20, với sự ra đời và phổ biến của các thiết bị theo dõi điện tử, việc giám sát từ xa mới tiết kiệm và đơn giản hơn. Hình phạt giam giữ tại nhà dần trở thành một lựa chọn thay thế được áp dụng phổ biến hơn tại Mỹ và các nước phương Tây.

Giam giữ tại nhà là một lựa chọn giam giữ tù nhân khác so với cách giam giữ tập trung thông thường trong nhà tù. Mục tiêu của phương pháp này là vừa giúp giảm tỉ lệ tái phạm tội, mặt khác cũng nhằm giảm số tù nhân, theo đó tiết kiệm ngân sách cho hệ thống nhà lao giam giữ của chính quyền sở tại.

Hình phạt giam giữ tại nhà cũng tạo điều kiện cho các tù nhân vẫn có cơ hội giữ được công việc hoặc tìm kiếm việc làm trong thời gian thụ án, duy trì các mối quan hệ và trách nhiệm gia đình, đồng thời có thể tham gia các chương trình cải tạo, hoàn lương, giúp họ giải quyết căn nguyên gây ra tội trạng khiến họ phải thụ án.

Những nội hàm cụ thể liên quan tới hình phạt giam giữ tại nhà có thể khác nhau đôi chút giữa các nơi, các nước. Tuy nhiên về cơ bản, hầu hết đều có chung một số điểm lớn như cho phép phạm nhân được tiếp tục làm việc và buộc phải có mặt tại nơi ở của họ trong những thời gian ngoài giờ làm việc.

Phạm nhân bị giam giữ tại nhà cũng được phép rời nhà trong một số trường hợp đặc biệt như tới trình diện sở cảnh sát hoặc cơ quan chức năng khi cần, các điểm hoạt động tôn giáo, trung tâm giáo dục, văn phòng luật sư, khám chữa bệnh.

Một số nơi còn cho phép người bị giam giữ tại nhà được rời nơi ở trong những hoạt động định kỳ, đã được cho phép trước như mua sắm lương thực, giặt đồ…

Người bị giam giữ tại nhà cũng sẽ phải có trách nhiệm hồi đáp thông tin liên lạc của nhà chức trách khi có yêu cầu cần xác minh việc họ đang có mặt tại nơi ở. Trong một số trường hợp ngoại lệ, nhà chức trách cũng có thể cho phép một số người thăm phạm nhân bị giam giữ tại nhà.

Tùy theo mức độ phạm tội, người bị giam giữ tại nhà cũng sẽ phải tuân thủ những quy định với mức quản thúc nghiêm ngặt khác nhau của tòa. Chẳng hạn, với những người bị giam giữ tại nhà ở mức nghiêm trọng nhất sẽ bị quản thúc tại nơi ở của họ 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần, ngoại trừ một số hoạt động điều trị bệnh đã được tòa cho phép, trình diện tòa hoặc thăm khám bệnh.

Sự hỗ trợ của công nghệ

Tại một số nước, việc giam giữ tại nhà được thực thi bằng cách sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ công nghệ. Một phương pháp thường dùng là còng điện tử gắn vào mắt cá chân phạm nhân. Thiết bị này có một cảm biến điện tử sẽ truyền tín hiệu định vị GPS về nơi quản lý, có thể là sở cảnh sát hoặc một công ty quản lý dịch vụ giám sát.

132 2 Cac Nuoc Quan Thuc Tai Gia Nguoi Pham Toi Ra Sao

Còng điện tử - Ảnh: KUNM

Theo đó khi phạm nhân đi quá xa khỏi ngôi nhà, vi phạm của họ lập tức được ghi lại và thông báo tới cảnh sát. Để ngăn ngừa ý đồ “tháo còng”, nhiều thiết bị còng điện tử còn có tính năng phát hiện và thông báo khi phạm nhân thử tìm cách tháo còng.

Dịch vụ theo dõi này thường được các sở cảnh sát ký hợp đồng với một đối tác cung cấp công nghệ theo dõi điện tử. Công ty này sẽ có các nhân viên theo dõi đồng thời nhiều phạm nhân cùng lúc.

Khi có vi phạm, thiết bị điện tử lập tức phát tín hiệu tới cảnh sát, và tùy theo mức độ vi phạm, người tù ở xa sẽ bị kết án theo cấp độ tương ứng.

Ngoài ra nhà chức trách còn một phương pháp khác để đảm bảo tù nhân tuân thủ hình phạt giam giữ tại nhà của họ là dùng dịch vụ gọi thoại tự động.

Theo đó, các cuộc gọi thoại ngẫu nhiên sẽ gọi tới nơi ở của tù nhân bị giam tại nhà. Câu trả lời của họ sẽ được hệ thống ghi âm lại, và sau đó tự động đối chiếu với mẫu giọng nói của phạm nhân. 

Nếu không ai trả lời cuộc gọi tự động, hoặc nếu câu trả lời không khớp với mẫu giọng nói của phạm nhân, thông tin này lập tức cảnh báo tới nhà chức trách.

Theo D.Kim Thoa / tuoitre.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan