Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
1. Ngoại tình để thỏa mãn ham muốn
Đây là kiểu ngoại tình phổ biến nhất. Ở kiểu ngoại tình này, ban đầu 2 người sẽ cảm thấy bị thu hút một cách mãnh liệt, nhưng sau đó tình cảm cũng nhanh chóng lụi tàn. John và Kim gặp nhau chốn công sở. John vừa mới ly thân, còn Kim đã kết hôn. Họ không thể chống lại lực hấp dẫn mãnh liệt từ phía đối phương. Và dĩ nhiên, "chuyện ấy" là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cảm giác hấp dẫn và được giải phóng từ loại ngoại tình này có thể ẩn giấu những xung đột tình cảm mà bạn không hề hay biết.
Những vụ ngoại tình kiểu này thường không kéo dài. Thêm vào đó, niềm đam mê 2 người dành cho nhau có thể mất đi khá nhanh khi 2 bên mất dần hứng thú hoặc các vấn đề tình cảm vốn bị che giấu xuất hiện trở lại. Niềm đam mê cũng có thể phai nhạt nếu người trong cuộc phát hiện ra rằng điều duy nhất kết nối họ chỉ là "chuyện ấy".
2. Ngoại tình kiểu "kẻ hai mặt"
Tình huống này hay xảy ra khi người phản bội có rất ít sự gắn bó tình cảm với bạn đời. Cuộc hôn nhân của họ giống như một mối quan hệ làm ăn hơn tình yêu đôi lứa. Họ cam kết ở bên nhau và cố gắng vun đắp gia đình, nhưng lại không chung tay xây dựng tổ ấm bằng những điều giản dị: Sự thân mật, yêu thương, kết nối xúc cảm, sự lãng mạn, cảm giác được hiểu, được yêu và được trân trọng.
Dù vậy, họ không rời bỏ "nửa kia" của mình. Họ thấy hôn nhân quá bình lặng nên khó rời bỏ nhưng lại quá nhàm chán để duy trì. Vì thế trong loại hôn nhân này, nếu có cơ hội thể hiện bản thân, họ sẽ lấp đầy những nhu cầu chưa được đáp ứng bằng một người khác và cố gắng giữ bí mật để duy trì hôn nhân. Họ sẽ tự ngụy biện cho sự phản bội của mình và trở thành bậc thầy về tài nói dối.
Những người "ăn phở" kiểu này thường sắp xếp rất tài tình, khiến cho người tình và vợ/chồng họ không bao giờ gặp được nhau, và họ cố gắng đáp ứng các nhu cầu của mỗi bên.
3. Kiểu ngoại tình vật thể
Ở đây "kẻ phản bội" bỏ mặc bạn đời, người yêu của mình để tập trung vào những thứ khác, như công việc, video game, các thú vui, sở thích của bản thân. Điều này làm phương hại tới đời sống tình cảm của chính họ và gia đình.
4. Ngoại tình trong tưởng tượng
Liệu có thể gọi là ngoại tình nếu đôi bên không hề làm "chuyện ấy"? Hãy xem xét trường hợp của Paul và Linda. Họ làm việc cùng nhau trong một dự án từ thiện. Paul đã kết hôn còn Linda đã ly dị nhưng đang sống cùng bạn trai. Họ nhận ra họ có rất nhiều điểm chung, từ quan điểm cho tới cách sống. Họ rất thích nói chuyện và mong muốn có thời gian ở bên nhau.
Họ thường xuyên trò chuyện điện thoại và nán lại sau khi làm việc xong. Họ nhận ra rằng giữa họ đã hình thành một tình cảm rất thân mật và gần gũi, không chỉ đơn thuần là tình bạn.
Vậy tại sao họ không làm "chuyện ấy"? Linda cho biết cả 2 người đều không muốn phá vỡ hoặc làm rối tung quan hệ ban đầu giữa họ. Vì vậy, họ đã chọn cách duy trì một mối quan hệ thuần khiết. Họ chỉ ngoại tình trong tâm tưởng chứ không hề tiến xa hơn.
Những người ngoại tình theo kiểu này thường tìm thấy ở đối phương một điều gì đó mà họ thấy thiếu vắng trong mối quan hệ thực sự của mình. Những người này không chỉ phải đối mặt với thách thức không vượt quá ranh giới mà còn có thể phải gánh chịu sự nghi ngờ của vợ/chồng mình. Ngoài ra, có khả năng rằng những điều thiếu vắng trong mối quan hệ thực sự của họ sẽ ngày càng nhức nhối.
5. Ngoại tình kiểu "tình một đêm"
Đây là kiểu ngoại tình thường không có định trước, do bốc đồng, trong thời điểm vắng mặt "nửa kia". Những chuyến công tác hay đi chơi xa thường dễ xảy ra tình huống này. Thông thường, đối tác của những tay "ăn phở" kiểu này là những người xa lạ, nhưng đôi khi nó cũng xảy ra với người quen. Rượu bia và các chất kích thích có thể góp phần tạo ra cuộc tình kiểu này.
Đại đa số người có tình một đêm muốn giữ gìn hôn nhân và cảm thấy tội lỗi, lo sợ bị phát hiện. Cuộc tình kiểu này thường xảy ra với những người hay tự ti - luôn thích được chú ý, được tâng nịnh. Điều nguy hiểm là, bởi tính cách như vậy, nên người này dễ "tái phạm" khi có cơ hội hay gặp tình huống xô đẩy.
Nguồn: Giadinh.net.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC