COVID-19: Vaccine của Nga có dấu hiệu đáp ứng miễn dịch

COVID-19: Vaccine của Nga có dấu hiệu đáp ứng miễn dịch

Các nhà khoa học Nga công bố báo cáo đầu tiên về vaccine Covid-19 của nước này, cho hay các xét nghiệm ban đầu cho thấy dấu hiệu của phản ứng miễn dịch.

132 1 Covid 19 Vaccine Cua Nga Co Dau Hieu Dap Ung Mien Dich

Báo cáo được xuất bản bởi tạp chí y khoa The Lancet, cho biết những người tiêm thử nghiệm đều phát triển các kháng thể để chống lại virus và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nga là nước đầu tiên cấp phép sử dụng vaccine Covid-19 hồi tháng Tám, trước khi dữ liệu nói trên được công bố.

Các chuyên gia cho rằng các thử nghiệm này quá nhỏ để chứng minh tính hiệu quả và an toàn.

hưng Moscow đã ca ngợi kết quả này như một cách đáp lại giới chỉ trích. Một số chuyên gia phương Tây đã bày tỏ lo ngại về tốc độ làm việc của Nga, nói rằng các nhà nghiên cứu có thể đang cắt ngắn quy trình.

Tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin cho biết vaccine đã vượt qua tất cả các kiểm tra bắt buộc và con gái đã tiêm vaccine này.

Báo cáo nói gì?

Tờ The Lancet cho biết hai cuộc thử nghiệm vaccine có tên Sputnik-V đã được tiến hành từ tháng 6 đến tháng 7. 38 tình nguyện viên khỏe mạnh được tiêm một liều vaccine và sau đó là vaccine tăng cường ba tuần sau đó.

Những người tham gia - trong độ tuổi từ 18 đến 60 - được theo dõi trong 42 ngày và tất cả đều phát triển kháng thể trong vòng ba tuần. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là nhức đầu và đau khớp.

Các thử nghiệm này công khai và không ngẫu nhiên, có nghĩa là không có giả dược và các tình nguyện viên biết họ được tiêm vaccine.

Báo cáo cho biết: "Các thử nghiệm lớn, dài hạn bao gồm so sánh giả dược và theo dõi thêm là cần thiết để thiết lập tính an toàn và hiệu quả lâu dài của vaccine ngừa Covid-19".

Theo bài báo, giai đoạn thứ ba của thử nghiệm sẽ có sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên từ "các nhóm tuổi và nguy cơ khác nhau".

Vaccine của Nga sử dụng các chủng adenovirus thích nghi, một loại virus thường gây cảm lạnh thông thường, để kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Vẫn còn một chặng đường dài để đi

Philippa Roxby, phóng viên sức khỏe của BBC

"Đáng khích lệ" và "cho đến nay rất tốt" là một số phản ứng từ các nhà khoa học ở Anh - nhưng rõ ràng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Mặc dù vaccine cho thấy phản ứng kháng thể ở tất cả nngười tham gia trong giai đoạn hai, nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là nó sẽ bảo vệ họ khỏi virus. Điều đó vẫn chưa được đảm bảo.

Từ những kết quả này, chúng ta có thể nói rằng vaccine dường như an toàn ở những người khỏe mạnh từ 18 đến 60 tuổi trong 42 ngày, vì đó là thời gian diễn ra nghiên cứu. Nhưng còn những người lớn tuổi và những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có nguy cơ mắc Covid-19 nhất - mức độ an toàn của nó đối với họ và trong một thời gian dài hơn thì sao?

Điều này chỉ có thể được giải đáp sau những thử nghiệm ngẫu nhiên dài hạn, lớn hơn nhiều, trong đó những người tham gia không biết họ đang nhận vaccine hay được tiêm giả. Những điều này cũng sẽ cho các nhà khoa học biết mức độ hiệu quả của vaccine ở cộng đồng lớn hơn.

Cũng đã có những lời kêu gọi về sự cởi mở và minh bạch. Trong số nhiều loại vaccine hiện đang được thử nghiệm trên khắp thế giới, một số loại sẽ có tác dụng hơn những loại khác trong một số trường hợp nhất định và có lẽ ở một số nhóm người nhất định. Vì vậy, việc biết chính xác chúng hiệu quả như thế nào và dùng cho ai là điều tối quan trọng - không chắc là một loại vaccine sẽ phù hợp cho tất cả mọi người.

Các phản ứng?

Kirill Dmitriev, người đứng đầu một quỹ đầu tư của Nga và là người đứng sau dự án vaccine này, cho biết trong một cuộc họp báo rằng báo cáo này là "một phản ứng mạnh mẽ đối với những người hoài nghi đã chỉ trích vô lý vaccine của Nga".

Ông nói rằng 3.000 người đã được tuyển chọn cho giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng từ tháng 11 hoặc tháng 12, trong đó tập trung vào các nhóm nguy cơ cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng vẫn còn một chặng đường dài cho đến khi một loại vaccine có thể được đưa vào thị trường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 176 loại vaccine tiềm năng hiện đang được phát triển trên toàn thế giới. Trong số đó, 34 loại hiện đang được thử nghiệm trên người. Trong số đó, tám vaccine ở giai đoạn ba, giai đoạn tiên tiến nhất.

Nguồn: BBC Tiếng Việt


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan