Sống là việc của cả đời, nhưng chắc hẳn nhiều người đã quên mất.
Sống là việc của cả đời, nhưng chắc hẳn nhiều người đã quên mất. Thậm chí, nhiều người đã quên hẳn nhiệm vụ quan trọng nhất này mà chỉ nghĩ rằng ngày mai mình phải kiếm tiền, làm sao để kiếm ra tiền, kiếm được bao nhiêu tiền. Lao động chăm chỉ rồi sẽ kiếm được tiền, tất nhiên khi còn trẻ chúng ta phải học tập và lao động không ngừng để có thể kiếm được nhiều tiền.
Nhưng thời gian chẳng đợi ai, nếu chúng ta cứ mãi rơi vào vòng xoáy tiền bạc thì có lẽ đến khi hơi thở tắt, chúng ta cũng chẳng nhận ra suốt cả quãng đời dài ấy chúng ta cần phải sống vì bản thân mình trước tiên. Và chúng ta cũng nên bỏ quan niệm rằng cần phải làm việc để để dành lại chút ít tài sản cho con cháu mình mai sau. Bởi mỗi người chỉ có một cuộc đời, đời ai thì cũng phải cần cù, chăm chỉ vì hạnh phúc vì chính bản thân mà thôi.
Một năm có 365 ngày, một tháng có 31 ngày, một tuần có 7 ngày, chúng ta đã đi làm 5 ngày trong một tuần, thậm chí có những người đi làm 6 ngày. Vậy thử hỏi xem với tần suất này thì chúng ta có được coi là chúng ta đã dành không ít thời gian vào công việc không?
Thậm chí, nhiều ông bố bà mẹ chỉ kịp gặp con 1 tiếng buổi tối trước khi con đến giờ đi ngủ, cuối tuần con muốn đi chơi nhưng vì bận việc nên bố mẹ luôn luôn từ chối lời đề nghị của con mà ngồi ôm laptop check mail. Rồi có cả những người vì quanh năm suốt tháng bận rộn công việc mà quên rằng luôn có bố mẹ, những đấng sinh thành tóc ngày một bạc thêm, đang đợi một cuộc gọi của đứa con đã xa nhà đi làm ăn bao lâu nay.
Chúng ta đã luôn rút ngắn thời gian của chính mình, và vô tình đẩy những người khác ra xa mình. Nhưng chắc hẳn không có nhiều người nghĩ đến chuyện này. Không chỉ khiến những người xung quanh mệt mỏi mà rồi bản thân mình cũng sẽ dần nhận ra sự ích kỉ bao trùm toàn bộ con người từ lúc nào, thậm chí sự ích kỉ ấy biến thành sự vô tâm mà chính mình cũng chẳng nhận ra.
Đôi khi chúng ta cứ ngụy biện rằng thời buổi này, không đi làm lấy đâu ra tiền để sống, để cho người này biếu người kia. Đích đến cuối cùng của một người không phải là hạnh phúc sao? Và hạnh phúc phải gắn với tiền mới được gọi là hạnh phúc à? Nếu định nghĩa như thế thì biết đến bao giờ tất cả chúng ta mới chạm tới “hạnh phúc xa xỉ” ấy và biết đến bao giờ “hạnh phúc” ấy mới nằm trong tay tất cả mọi người không bỏ sót bất kì ai?
Rồi đến khi nhận lương, cầm tiền trên tay, nhiều người vẫn giữ thói quen tiết kiệm, không dám vì mình mà mua chiếc áo mình đã thích từ mùa đông năm trước. Tại sao chúng ta lại hà tiện với chính bản thân nhỉ? Trong khi đấy lại là món quà xứng đáng sau những ngày làm việc chăm chỉ và căng thẳng. Có phải chúng ta đã bỏ phí những cơ hội quý giá không, bởi lẽ món quà ấy không chỉ là ý nghĩa về mặt vật chất mà còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần.
Tinh thần càng thoải mái, rộng mở thì con người ta càng vui vẻ, phấn khởi, hào hứng để làm việc. Hạnh phúc là tự mình cố gắng tạo nên, vui vẻ cũng là tự mình tìm kiếm. Biết giữ một tâm trạng luôn thoải mái, yên ổn thì mỗi ngày mới chính là một ngày vui, mỗi chuyện lướt qua tầm mắt mới nhẹ nhàng, thanh thản.
Nhìn vậy thôi chứ cuộc đời này ngắn lắm, lao thân vào kiếm tiền nhiều rồi đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng mang xuống mồ được, lao thân vào kiếm tiền nhiều rồi mà bỏ bê gia đình thì rốt cuộc sống để làm gì. Làm việc chăm chỉ, cố gắng, nỗ lực trong từng công việc là điều hiển nhiên nhưng không được để công việc chiếm hết thời gian của bản thân, của gia đình. Kiếm tiền rồi thì cũng phải biết tận dụng để hưởng thụ, cũng không đến mức là lãng phí một đống tiền cho những sở thích tiêu khiển vô bổ.
Khi nào thì chúng ta ngừng kiếm tiền? Bao nhiêu tiền là đủ? Một triệu? Mười triệu? Hay một tỉ? Từ hàng ngàn héc ta ruộng đất, bạn cũng chỉ ăn được chút ít rau quả và một nửa chiếc bánh mì mỗi ngày. Từ vài ba căn nhà bạn đã xây, thực tế là bạn chỉ cần vài mét vuông để ở, một chỗ ngủ, một chỗ tắm và một chỗ làm bếp.
Vì đâu mà ta cứ phải truy cầu, tham lam, đuổi theo hết thảy thứ này thứ khác trong đời? Chỉ cần sống vui vẻ, hạnh phúc là được phải không?
Theo Trí Thức Trẻ/Cafebiz
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC