Các bà mẹ thường nhận thấy một tình trạng như thế này:
Con trẻ thường không tập trung chú ý, một chút cũng ngồi không yên, ăn cơm không chăm chú, thích chạy nhảy lung tung… Theo thời gian, con trẻ càng ngày càng lớn, cha mẹ càng lo lắng rằng con mình không tập trung như vậy thì có ảnh hưởng tới học tập sau này hay không?
Tất nhiên là có, không những vậy mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này.
Các năng lực như trí nhớ, tư duy logic, sự phối hợp cử động tay chân… có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống tương lai, thậm chí so với chỉ số thông minh thì những năng lực này đóng vai trò quan trọng trong sự quyết định thành công của trẻ.
Lúc còn nhỏ, cha mẹ không chú ý bồi dưỡng năng lực tập trung cho con, sẽ dẫn đến việc trẻ làm gì cũng không phát huy tối đa tinh thần vào việc đó, ví như ăn cơm cũng không tập trung, không tập trung chú ý khi chơi đồ chơi… Nếu lớn lên mà trẻ vẫn không rèn được lực chú ý tập trung này thì sẽ có ảnh hưởng tới học tập của trẻ.
Chúng ta biết, trẻ từ 0-3 tuổi là giai đoạn trí não phát triển tốt nhất, cũng có nghĩa là giai đoạn tốt nhất để rèn luyện và bồi dưỡng năng lực tập trung cho trẻ. Cho nên cha mẹ không nên chờ con trẻ lớn lên, khi khả năng tập trung kém ảnh hưởng đến các mặt khác trong sinh hoạt, mới phát hiện và vội vàng bồi dưỡng thì đã muộn rồi.
Nhiều bậc phụ huynh cũng nhận thức được tầm quan trọng của khả năng tập trung, nhưng lại thường quan tâm bao bọc con trẻ thái quá mà dẫn đến vô ý phá mất cơ hội trẻ phát triển khả năng này.
Như khi trẻ đang tập trung vẽ tranh tô màu, bà liền gọi: “Cháu yêu, chơi có mệt không, bà có cắt dưa hấu này cháu tới ăn đi, ngon lắm”. Hoặc khi trẻ đang say mê nghịch bùn đất, mẹ thấy vậy vội vàng chạy tới nói: “Con à, chơi bùn đất bẩn lắm có gì thú vị đâu, chúng ta qua bên kia chơi cầu trượt đi”, nói rồi bế con đi không cho chơi nữa. Hoặc khi trẻ đang chơi trò lắp ghép, ba đi đến và nói: “Con trai, để ba lắp ghép mô hình nhà cho con xem, con ghép như vậy là không đúng rồi”.
Người lớn không nên cắt đứt sự chuyên chú tập trung của trẻ vào việc mà trẻ đang hứng thú làm. (Ảnh: pandakids.edu.vn)
Những tình huống như vậy thường xuyên xảy ra hàng ngày, nhìn bề mặt đó là sự quan tâm yêu chiều của cha mẹ dành cho con cái, song lại cắt đứt sự chuyên chú tập trung của trẻ vào việc mà trẻ đang hứng thú làm. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến lực chú ý, tinh thần tập trung của trẻ.
Vậy cha mẹ cần làm gì để bồi dưỡng năng lực tập trung cho trẻ?
1. Không nên quấy rầy khi trẻ đang tập trung
Khi trẻ đang chuyên tâm vào việc gì đó, thì cha mẹ không nên quấy rầy hoặc cắt đứt sự tập trung đó. Nếu không phải là tình huống bắt buộc thì hãy cứ để cho trẻ chuyên chú làm việc mà trẻ thích, khi cha mẹ bảo vệ sự chuyên tâm của con, cũng là thể hiện sự tôn trọng với con trẻ.
2. Tạo cho con một không gian riêng
Cha mẹ hãy dành một góc không gian nào đó trong nhà để làm thành “không gian riêng” cho con, ví như một góc ban công, một góc phòng, hoặc dùng rào chắn tự tạo ngăn riêng ra một khoảng không gian. Ở trong không gian này, trẻ có thể vẽ tranh, đọc sách, chơi đùa, bày đồ chơi… làm những gì mà mình muốn. Và đặc biệt khi trẻ chơi ở trong không gian này thì cha mẹ tuyệt đối không được can thiệp hoặc quấy rầy trẻ.
3. Khi tình huống bắt buộc phải cắt ngang, thì cha mẹ hãy cho trẻ một khoảng thời gian chuẩn bị
Khi trẻ đang chăm chú tập trung làm việc gì đó, mà cha mẹ bắt buộc phải cắt đứt sự tập trung của con, hãy báo cho con biết và cho con một khoảng thời gian ngắn để có thời gian chuẩn bị và dời đi lực chú ý của mình.
Bồi dưỡng khả năng tập trung cho trẻ cần có sự phối hợp và cố gắng của những thành viên trong gia đình. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy chú ý bồi dưỡng năng lực này, để trẻ có những bước khởi đầu tốt đẹp trong hành trình của mình và đạt được thành công trong tương lai.
Theo Soundofhope
Minh Phúc biên dịch
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC