TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết như trên tại hội thảo Tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng, ngày 5/4.
Năm 2002, trung bình một người Việt tiêu thụ 6,04 lít đồ uống có đường. Năm 2021, con số này là 55,78 lít, tức tăng gấp 10 lần, theo khảo sát của WHO.
Đồ uống có đường, theo định nghĩa của WHO, là tất cả loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào), gồm nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây rau củ, đồ uống từ trái cây rau củ dưới dạng đồ uống; chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.
"Lạm dụng đồ uống có đường dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì, đái tháo đường type 2, sâu răng, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư", bà Angela Pratt nói, thêm rằng tăng hoặc giảm tiêu thụ đường tự do (bất kể lượng đường là bao nhiêu) liên quan thuận chiều với thay đổi cân nặng. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn một người bị thừa cân hoặc béo phì.
Thực tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi, và liên quan đến hành vi ăn uống. PGS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia, dẫn nghiên cứu uống một lon nước ngọt/ngày trong vòng 1,5 năm sẽ tăng 60% nguy cơ thừa cân, béo phì. Còn uống nước ngọt thường xuyên 1-2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn) thì nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 cao hơn 26% so với người hiếm khi uống.
Trong khi đó WHO khuyến cáo trẻ từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25 g/ngày, giới hạn đồ uống có đường không quá 235 ml/tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
"Cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này", bà Angela Pratt nói. Trên thế giới, biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng cách áp thuế. Giá tác động đến chi phí, giúp giảm lượng tiêu thụ.
Theo tính toán của WHO, nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối.
Hiện hơn 100 quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.
Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị áp dụng các biện pháp kiểm soát như ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học, giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện của WHO tại Việt Nam, đề xuất Chính phủ xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ. Mặt khác, cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.
"Các biện pháp như thế này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt ở trẻ em và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai", ông Lâm nói.
Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Tham gia ý kiến, Bộ Y tế đề xuất tất cả đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế căn cứ hàm lượng đường trong 100 ml và nên quy định ngưỡng. Hàm lượng đường trên ngưỡng này thì đánh thuế, theo nguyên tắc càng nhiều đường mức thuế càng cao. Ngược lại, dưới ngưỡng thì không phải chịu thuế. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa nêu rõ "ngưỡng", tức hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống, là bao nhiêu.
Với một số sản phẩm dinh dưỡng (sữa, các sản phẩm từ sữa...) có hàm lượng đường thấp, Bộ Y tế đề xuất chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Lê Nga
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC