Tư tưởng ở châu Á cho rằng người có làn da trắng hơn là hấp dẫn hơn có thể thấy rõ qua các cuộc thi sắc đẹp.
Vào tháng 12/2018, khi Catriona Gray trở thành người Philippines thứ 4 đoạt danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ, chiến thắng của cô đã gây phân cực người Philippines. Nhiều người lên mạng để chỉ trích chiến thắng của cô, tuyên bố rằng cô trông như một người vùng Kavkaz rám nắng. Cô Gray sinh ra và lớn lên ở Australia và có gốc lai Scotland và Philippines. Đối với một số người chỉ trích, Gray “không đủ chất Philippines”.
Hoa hậu người Thái Lan Nonthawan Thongleng. Ảnh: YouTube.
Hồi năm 2014, cô Nonthawan Thongleng da nâu trở thành Hoa hậu Thế giới Thái Lan. Khi ấy một số nhà bình luận đã ca ngợi sự kiện này là cơ hội để định nghĩa lại các tiêu chuẩn về vẻ đẹp.
Cô Nonthawan cho biết, chiến thắng này có ý nghĩa lớn đối với cô sau khi đã nỗ lực nhiều và trở thành hình mẫu cho thế hệ trẻ châu Á thuộc các nhóm sắc tộc khác nhau có màu da sậm hơn.
Trên thực tế, Nonthawan đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người Thái Lan. Vì theo truyền thống thì những phụ nữ có màu da tối thường bị gạt sang một bên trong các cuộc thi sắc đẹp để ưu tiên cho những phụ nữ có nước da trắng hơn.
Quan niệm “da trắng mới đẹp, da trắng là đẳng cấp”
Đây là một thực tế văn hóa gắn liền với cuộc tranh cãi về màu da và sắc đẹp. Trong nhiều xã hội, và đặc biệt là ở châu Á, da màu tối thường được liên hệ với sự lao động trên đồng và sự nghèo đói ở vùng nông thôn. Ngược lại, da trắng thường gắn với cuộc sống đô thị nhàn nhã ở trong nhà, tránh xa ánh nắng. Màu da vì vậy là dấu hiệu của đẳng cấp xã hội.
Người ta do đó cố gắng nỗ lực để có làn da trắng sáng. Trên các con phố Bangkok (thủ đô Thái Lan), không khó để thấy người Thái Lan che chắn cho mình bằng ô hoặc mặc những chiếc áo có ống tay dài trong các tháng nóng nhất trong năm nhằm tránh để da bị rám nắng vì ánh sáng mặt trời.
Xu hướng ưa thích màu da trắng này càng được củng cố hơn nữa qua phương tiện truyền thông đại chúng: truyền hình, các tạp chí và các biển hiệu. Các hãng dược phẩm cung cấp các loại kem làm trắng da, thậm chí một số hãng còn hứa hẹn làm trắng màu da ở những khu vực riêng tư nhất như vùng ngực và nách.
Áp lực có làn da trắng không chỉ ảnh hưởng tới phụ nữ. Jaray Singhakowinta, một phó giáo sư về giới tính học ở Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (Thái Lan) cho biết: “Có một loạt sản phẩm và dịch vụ nhằm vào các nam giới muốn có làn da trắng hơn”.
Ông Jaray đưa ra một ví dụ là các nam giới tiêm chất glutathione vào da để thúc đẩy quá trình làm trắng. Thậm chí có một số cơ sở y tế ở Thái Lan cung cấp dịch vụ làm trắng vùng kín của nam giới bằng tia laser và chất hóa học.
Theo Kosum Omphornuwat, một giảng viên giới tính học tại Đại học Thammasat, thì “kinh tế thị trường, chủ nghĩa tiêu dùng, truyền thông xã hội và hội chứng selfie đã củng cố thêm cơn ám ảnh này”.
Một tấm áp phích quảng cáo về sản phẩm làm trắng da ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP.
Trong các năm gần đây, một số chiến dịch quảng cáo đã vấp phải sự chỉ trích về cách họ quảng bá về một vẻ đẹp lý tưởng. Năm 2016, một công ty Thái Lan đã quảng cáo các viên thuốc làm trắng da với slogan “da trắng giúp bạn chiến thắng”. Quảng cáo này quảng bá cho các viên thuốc “Snows” do công ty Seoul Secret phân phối. Quảng cáo sử dụng hình ảnh một nữ diễn viên và người mẫu Thái Lan, người đã giải thích thành công của mình là nhờ làn da trắng sáng.
Ảnh hưởng từ Hàn Quốc
Da trắng đã từ lâu là một đặc điểm thiết yếu của vẻ đẹp Thái Lan, Jaray cho biết, nhưng khái niệm về độ trắng sáng đã thay đổi chút.
Jarya nói: “Trong các sách vở kinh điển của Thái Lan, các nhân vật nữ được mô tả là có làn da trắng sáng và đây được coi là đẹp. Như vậy làn da trắng là một tiêu chuẩn trong quá khứ. Sau khi có thêm ảnh hưởng từ phương Tây và Hàn Quốc, màu da ưa thích là trắng hồng”.
Trên thực tế, sự phổ biến của ngành giải trí Hàn Quốc, đặc biệt là nhạc pop và phim truyền hình của nước này, càng làm cho người Thái Lan ám ảnh với nước da trắng sáng. Ông Jaray cho biết, xu hướng này bắt đầu cách đây khoảng 20 năm khi loạt phim Hàn Quốc “nàng Dae Jang Guem” (với nội dung nói về một lương y thăng tiến từ chỗ là một người hầu trong cung) phổ biến ở Thái Lan, kéo theo nhu cầu gia tăng đối với thực phẩm và sản phẩm Hàn Quốc.
Jaray phân tích thêm: “Hình ảnh các diễn viên và các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc đã trở thành đặc điểm chung của các ngành giải trí Thái Lan. Vẻ đẹp kiểu Hàn Quốc do vậy đồng nghĩa với vẻ đẹp phổ quát cho nhiều người Thái Lan”. Sự nở rộ các doanh nghiệp liên quan đến nhan sắc Hàn Quốc ở Thái Lan và việc tiếp thị thành công của họ đã phổ cập các tiêu chuẩn nhan sắc Hàn Quốc với các đặc điểm như mặt hình chữ V, da trắng sứ, và mũi nhọn thanh mảnh.
Jaray cho biết: “Tôi nghe nói có một số công ty du lịch Thái Lan tổ chức tour sang Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mỹ vì khách hàng của họ tha thiết muốn có ngoại hình như các ngôi sao họ hâm mộ”. Thực tế, có các chương trình truyền hình ở Thái Lan chuyên thu nhận các thí sinh có khiếm khuyết ở mặt đến cạnh tranh để giành suất được phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc.
Ngày nay, làm trắng là một ngành thu lợi lớn. Một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng gần 40% phụ nữ trong diện thăm dò ở Trung Quốc, Malaysia, Philippines, và Hàn Quốc đều đặn sử dụng các sản phẩm làm trắng da. Hãng tình báo thị trường Global Industry Analysts chỉ ra rằng nhu cầu về nhân viên làm trắng đang gia tăng, thị trường này dự báo gia tăng tới mức 31,2 tỷ USD vào năm 2024.
Giảng viên Kosum cho rằng việc thích làn da trắng ít khả năng suy giảm trong tương lai gần do “các thế hệ trẻ em tiếp theo ngày càng ý thức về ý nghĩa của màu da trong xã hội”.
Tuy nhiên Kosum vui mừng vì bất chấp xu hướng này, vẫn có một chiến dịch chống phân biệt đối xử ở Ấn Độ, đây là một chiến dịch truyền thông mang tên “Da màu tối vẫn đẹp”. Bà mong một ngày nào đó sẽ có một chiến dịch tương tự ở Thái Lan./.
Nguồn: VOV.VN
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC