Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mía vừa để ăn, vừa làm thuốc trị bệnh rất tốt. Sách Tùy tức cư ẩm thực phổ cho rằng: “Nước mía có giá trị như phục mạch thang thiên nhiên”.
Phục mạch thang là một bài thuốc cổ được ghi trong sách thương hàn luận có công dụng bổ khí, dưỡng huyết. Sách Bản thảo kinh sơ ghi:
“Mía trước tiên nhập vào kinh tỳ, trợ giúp tỳ khí, vì tỳ chủ trung tiêu nên mía có thể trừ nhiệt độc, nhuận táo, có lợi cho đại tràng”.
Theo Đông y, mía vị ngọt, tính lạnh, lợi vào kinh phế và vị, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, sinh tân nhuận táo, lợi liệu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hóa. Dùng mía chữa các chứng bệnh đường hô hấp, sốt cao, giải độc, tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, bụng đầy trướng, tiêu hóa phiền nhiệt…
Chữa đau dạ dày mạn tính: nước mía 100ml, nước cốt gừng 10ml. Hòa đều, uống ngày 2 lần.
Nước mía hòa nước cốt gừng tươi chữa viêm dạ dày.
Dưỡng âm, nhuận phế, trị ho, nóng rát cổ họng: bách hợp 50g, gạo tẻ 50g, nước mía 300ml, nước củ cải 200ml nấu cháo, ăn trong ngày.
Chữa ho gà: mía cắt khúc, chẻ nhỏ, rau má 50g, gừng tươi 2 lát, nước 400ml, sắc còn 250ml, chia uống nhiều lần.
Táo bón nhiệt kết đại tràng, hơi thở hôi, đầy bụng, nước tiểu vàng, nóng: vỏ cây đại (cạo vỏ ngoài) 40g, phèn chua sống 8g. Hai vị tán bột mịn, nước mía 300ml cô đặc, trộn 3 thứ hoàn viên. Mỗi lần uống 4g, ngày 2 lần.
Chữa bàng quang thấp nhiệt, đái dắt, buốt, đục, viêm đường tiết niệu: mía 1 khúc (300g), mã đề 200g (cả cây), râu ngô 200g. Mía róc vỏ, rửa sạch, cắt khúc chẻ nhỏ, cho mã đề, râu ngô vào sắc uống.
Hoặc: nước mía 100ml, nước ngó sen 100ml, hòa đều, uống ngày 3 lần. Nước này có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp.
Trị bệnh đường tiết niệu, thanh nhiệt lợi thấp: nước ép mía 500g, hòa nước ép ngó sen tươi 500g. Chia nhỏ uống trong ngày.
Chữa suy nhược cơ thể, ăn uống kém, ngủ ít: nước mía 300ml, trứng gà tươi 2 quả. Nước mía đun sôi, đập trứng vào để nhỏ lửa 3 phút, nhắc xuống. Ăn nóng.
Làm đẹp da và tóc: nước rau má 100ml, nước dừa 50ml, nước mía 50ml. Hòa đều có thể thêm mật ong, sữa ong chúa. Uống đều.
Chữa trẻ em mồ hôi trộm, tư âm, dưỡng vị, giải say rượu: ăn mía, uống nước mía.
Chữa bệnh bụi phổi: nước mía 50ml, củ cải ép 50ml, mật ong hoặc đường phèn vừa đủ, chưng thành cao; Lòng đỏ trứng gà đánh đều với cao rồi hấp cơm. Tuần ăn 2-3 lần.
Sơ cứu ngộ độc cá nóc: nước mía, gừng tươi uống liền rồi đưa đi bệnh viện gần nhất.
Chú ý: Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản không tốt thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh.
Mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên dùng nhiều.
ThS. Nguyễn Ngọc Lan
Nguồn: SK&ĐS
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC