Theo y học cổ truyền, râu ngô có vị ngọt, tính bình; quy kinh thận, bàng quang; có tác dụng lợi tiểu, tiêu thũng (giảm phù), thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng (trị vàng da), chỉ huyết (cầm máu). Những trường hợp mắc bí tiểu, phù nề dùng rất tốt. Râu ngô được dùng dưới hai dạng tươi và khô.
Nếu có điều kiện nên dùng dạng tươi vì chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn. Chọn râu ngô có sợi to, bóng, mượt có màu nâu đỏ nhung.
Râu ngô vị ngọt tính bình, giúp lợi tiểu, thanh huyết nhiệt. (Ảnh: Ydvn.net)
Một số lợi ích từ râu ngô
- Râu ngô có chứa các vitamin K, A, C, các loại vitamin B (B1, B2, B6)… chất đắng, tinh dầu và nhiều chất vi lượng khác cần thiết cho cơ thể chống quá trình oxy hóa tốt. Vì thế nước râu ngô khi uống thường có cảm giác ngọt, thơm và mát.
Râu ngô chứa nhiều vitamin và khoáng chất. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
- Thanh nhiệt, giúp giải độc tố: các chất chống oxy hoá trong râu ngô tốt cho việc kích thích loại bỏ độc tố tích tụ trong cơ thể.
- Có tác dụng lợi niệu, làm tăng lượng nước tiểu gấp 3 – 5 lần bình thường. Từ đó có tác dụng hạ huyết áp. Sử dụng cho người sỏi thận hay sỏi bàng quang và niệu quản sẽ làm tan các loại sỏi tạo thành do urat, phosphat, cacbonat.
- Uống nước râu ngô hàng ngày có tác dụng làm tăng bài tiết mật, giảm độ nhớt của mật tạo điều kiện để dịch mật vào ruột được dễ dàng. Dùng hàng ngày tốt cho người bị ứ mật và sỏi túi mật.
Bài thuốc dân gian
Chữa viêm thận, viêm bàng quang: Râu ngô 100g, rau má 50g, ý dĩ 50g, mã đề 50g, sài đất 40g, sắc với 500ml còn 150ml chia làm 2 lần trong ngày. Sắc uống ngày 1 thang.
Hỗ trợ điều trị vàng da do viêm gan tắc mật, viêm thận cấp, nước tiểu đỏ: Râu ngô 50 – 100g hoặc lõi ngô (có nơi gọi là bấc)150g. Sắc uống hàng ngày
Nước ngô giúp lợi tiểu, hỗ trợ điều trị viêm gan. (Ảnh: sohu.com)
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Hạt ngô ngâm ủ cho mọc mầm, dùng mầm ngô sấy khô, ngày uống 20 – 30g, uống với nước ngọn khoai lang đỏ. Mỗi liệu trình là 10 ngày.
Món ăn bài thuốc từ râu ngô
Cháo râu ngô: Râu ngô 60g, đậu đen 30g, đại táo 30g, cà rốt 90g. Râu ngô sắc lấy nước bỏ bã; cho các nguyên liệu còn lại vào nấu tiếp. Nấu chín nhừ, thêm chút gia vị cho ăn. Dùng cho bệnh nhân viêm gan vàng da.
Mao căn tử tô ẩm: Bạch mao căn 50g, tử tô 10g, râu ngô 30g. Tất cả cùng đem nấu sắc với 500ml nước lấy 200ml uống trong ngày. Chia 2 lần uống sáng, chiều. Thích hợp cho người bị phù nề như viêm phù thận, phù nhẹ toàn thân, phù thiểu dưỡng ở người cao tuổi.
Râu ngô non có thể dùng hầm với thịt nạc tốt cho bệnh nhân tiểu đường. (Ảnh: Vietnammoi.vn)
Thịt lợn hầm râu ngô: Thịt lợn nạc 100g, râu ngô non 100 – 200g. Hầm nhừ, thêm gia vị ăn. Dùng tốt cho người đái tháo đường.
Trà râu ngô: Râu ngô hãm đặc uống khi nóng hoặc nước râu ngô pha đường để nguội chia uống nhiều lần hàng ngày thay nước trà. Dùng tốt cho người viêm thận, viêm đường tiết niệu, viêm gan vàng da.
Lưu ý
Râu ngô làm nước giải khát theo kinh nghiệm dân gian là tương đối lành tính. Tuy nhiên, khi sử dụng cũng cần lưu ý để tránh gây hại sức khỏe. Bởi râu ngô có thể bị nhiễm thuốc trừ sâu nên khi sử dụng đun nước uống giải nhiệt cần rửa thật sạch. Tốt nhất là tìm được nguồn an toàn.
Trong trường hợp đang sử dụng một loại thuốc khác để trị bệnh thì không nên uống cùng nước râu ngô hay bất kỳ thuốc lợi tiểu nào khác khi không có chỉ định của bác sĩ.
Mặc dù là thuốc thanh nhiệt trong ngày hè, nhưng cũng không nên dùng thay thế hoàn toàn nước lọc, đặc biệt là với trẻ em. Bởi tác dụng lợi tiểu của nước râu ngô dễ dẫn đến mất cân bằng điện giải, giảm hấp thu canxi, kali…
Mộc Chi
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC