Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một số người vừa phất lên hay kiếm được món hời rồi vài năm sau lại xuống dốc không phanh?
4 năm trước, triệu phú người Mỹ Scott Oldford mắc khoản nợ 726.000 USD. Thiếu mục đích và sứ mạng cụ thể khiến anh nhất thời đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt.
"Tôi chỉ chăm chăm kiếm tiền mà không biết tại sao mình khao khát giàu có như vậy. Tôi muốn tự do nhưng chẳng biết điều đó nghĩa là gì. Tôi phát hiện ra rằng mình chẳng có mục đích sống và cảm thấy ghét bản thân", Scott chia sẻ trong một bài phỏng vấn gần đây. Sau khi thức tỉnh, chàng thanh niên 25 tuổi này mới tìm được con đường mới cho mình và hiện anh là chủ một doanh nghiệp tạo ra 2,8 triệu USD.
Dưới đây là 4 lý do khiến những người dễ dàng giàu có, thành công lại rơi vào bế tắc, theo Entrepreneur:
Kiếm quá nhiều tiền trước khi có nền tảng vững chắc
Nếu bạn tham gia chạy marathon dù chưa từng luyện tập, bạn có thể gặp chấn thương. Tương tự, xây dựng và duy trì sự giàu có cũng cần nền móng.
Nếu bạn chưa chuẩn bị cách để duy trì và có thái độ đúng đối với việc làm giàu, những khía cạnh khác trong cuộc sống có thể bị tác động và khả năng cao bạn sẽ đốt khoản kiếm được nhanh hơn mình tưởng. Bạn có thể thấy điều này ở những người nổi tiếng, các nhạc sĩ, vận động viên - những người có nhiều tiền hơn mức họ nghĩ tới và thiếu kế hoạch, tư duy quản lý tài chính đã hủy hoại đời họ.
Thiếu lý tưởng hay mục đích
Một trong những cách tốt nhất để tránh bế tắc trong sự giàu có là có một lý tưởng hay mục tiêu cụ thể cho việc mình làm. Chẳng hạn, khi có một lý tưởng lớn, bạn sẽ phải có tư duy thực tế hơn về thu nhập của mình. Điều này cũng cho phép bạn tận hưởng chiến thắng lớn nhưng duy trì mục tiêu cho các hành động và quyết định tiếp theo. Hãy nhớ rằng, cái gì lên đều sẽ phải xuống.
Mục tiêu không nên là phải càng ngày càng giàu có mà là tạo ra giá trị nào đó thực sự bền vững mà cả tâm trí và cảm xúc của bạn đều hướng về. Hãy nghĩ về những điều bạn sẵn sàng dành thời gian để tập trung vào. Nó có tương đồng với những niềm tin và giá trị của bạn?
Không có lý tưởng hay mục đích, tiền sẽ choáng ngợp hết cuộc sống, tình cảm và tâm trí bạn. Tiền dù có kiếm được bao nhiêu bạn cũng không thấy đủ. Điều này sẽ khiến bạn bứt rứt và lo lắng về bất cứ điều gì khi khoản kiếm được giảm đi hoặc bị mất. Điều quan trọng là bạn cần hiểu, tiền phục vụ bạn chứ không phải bạn làm nô lệ cho nó.
So sánh bản thân với người khác
Khi so sánh sự giàu có và thành công của mình với ai đó, chúng ta đã để người khác điều khiển mình. Nếu bạn chỉ nhìn vào tài khoản ngân hàng của mình và nghĩ "không đủ", bạn sẽ chỉ cố để tăng các con số. Và như phần trước đã nói, nếu kiếm tiền chỉ để ngày càng giàu hơn, sẽ có lúc bạn cảm thấy trống rỗng, vô nghĩa khi không có mục đích và lý tưởng sống rõ ràng.
Đừng so bì với người khác vì núi cao luôn có núi cao hơn nữa. Việc so sánh và chạy đua sẽ hút cạn năng lượng của bạn.
Cuộc sống không có gì ngoài công việc
Bạn làm việc để sống hay sống để làm việc? Nếu chỉ làm việc, chúng ta không sống trọn vẹn thực sự. Thiếu sự kết nối và giao tiếp sẽ dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi và phá vỡ các mối quan hệ. Tất cả những điều này đều không tốt cho tâm hồn lẫn sức khỏe và cả sự nghiệp dài lâu của bạn.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC