Một thợ lặn tiếp cận "tàu ma" - ảnh: Badewanne/Pen News
Một nhóm thợ lặn đã phát hiện ra chiếc "tàu ma" ở Vịnh Phần Lan, thuộc biển Baltic. Họ trả lời báo giới rằng "không có gợi ý nào để giải thích về số phận của con tàu". "Tàu ma" này là một sản phẩm đỉnh cao của Đế chế Hà Lan thế kỷ 17. Thiết kế thông minh giúp nó chở được nhiều hàng nhất có thể và chỉ cần thủy thủ đoàn tối thiểu để vận hành. Thân tàu rộng rãi và không trang bị súng. Thân tàu có thể dài đến hàng chục mét.
Theo ông Jouni Polkko, thành viên đội lặn Badewanne đã có công phát hiện ra xác tàu, không chỉ không bị hư hại gì do thời gian, vỏ của con tàu ba cột buồm hoàn toàn nguyên vẹn, không hề có hư hại nào giải thích cho nguyên nhân nó bị đắm. Con tàu chỉ như nhẹ nhàng đáp xuống đáy biển và ngủ yên ở đó.
Bên trong tàu có chút ít hư hại do lưới đánh cá, nhưng phần vỏ tàu và các khoang vẫn trong tình trạng hoàn hảo - ảnh: Badewanne/Pen News
Họ cho rằng có thể có một chỗ rò rỉ nhỏ khó thấy, kết hợp với máy bơm bị hư khiến tàu chìm dần. Hoặc có thể con tàu bị lật do một số thiết bị đóng băng, dẫn đến mất cân đối. Chưa phát hiện hài cốt bên trong xác tàu.
Các thợ lặn cho biết khu vực tìm thấy con tàu có độ mặn thấp, bóng tối tuyệt đối và nhiệt độ rất thấp quanh năm, khiến thời gian như "ngưng đọng" dưới đáy biển, quá trình vật chất bị hư hại bị giảm tối đa. Khu vực biển này còn bị đóng băng vào mùa đông, khiến những con "tàu ma" bên dưới như được cất giữ trong chiếc tủ lạnh khổng lồ và siêu tốt. Những sinh vật ưa gỗ như mọt tàu cũng khó sống nổi ở điều kiện khắc nghiệt như thế.
Ảnh: Badewanne/Pen News
Ảnh: Badewanne/Pen News
Những lý do trên có thể giải thích việc xác tàu gỗ có thể tồn tại suốt 400 năm mà trông như mới bị đắm hôm qua. Chỉ có phần boong tàu là có gỗ bị vỡ, hư hại, nhưng thiệt hại này là do những tấm lưới đánh cá vô tình, không phải do thời gian. Ở các vùng biển ôn đới khác, những xác tàu như thế sẽ bị biển "ăn" mất hoàn toàn chỉ trong vài thập kỷ, trừ khi bị chôn vùi trong trầm tích.
Nhóm thợ lặn đã chia sẻ với báo giới nhiều hình ảnh thú vị về con tàu. Trong thời gian tới, nhà chức trách địa phương và giới khảo cổ sẽ tiếp quản hiện trường.
Nguồn: Anh Thư/ NLĐO
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC