Theo BBC, nguyên lý của loại thuốc này là giúp tăng cường hoạt động của các tế bào bạch cầu, còn được gọi là các đại thực bào, một phần của cơ chế miễn dịch chuyên tấn công các dị vật bên ngoài xâm nhập cơ thể.
Tế bào ung thư (ảnh minh họa) - Ảnh: MEDICALNEWS
Các thử nghiệm tiến hành ở chuột cho thấy phương pháp điều trị bằng thuốc này đã phát huy hiệu quả trong việc xử lý các trường hợp bị ung thư vú và ung thư da.
Kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Biomedical Engineering.
Theo nhóm nghiên cứu, các thử nghiệm thuốc mới sẽ được tiến hành trên người trong vài năm tới.
Loại thuốc này cũng đã được cấp phép thử nghiệm, do đó nhóm nghiên cứu hy vọng có thể đẩy nhanh quá trình phê chuẩn trong điều trị.
Các liệu pháp điều trị dựa trên hệ miễn dịch của chính cơ thể con người để chống lại các dạng bệnh ung thư đang là lĩnh vực nghiên cứu nhận được sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu y khoa toàn thế giới.
Các đại thực bào vốn đã rất “giỏi” trong nhiệm vụ tấn công các bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra vì chúng có khả năng nhận diện và tấn công những “kẻ lạ xâm nhập” cơ thể.
Tuy nhiên, tế bào bạch cầu thường gặp khó và giải quyết không hiệu quả với tế bào ung thư, vì các khối u lại phát triển từ chính những tế bào trong cơ thể con người, do đó chúng cũng có cơ chế ẩn náu khôn khéo hơn trước các đợt tấn công của đại thực bào.
Vì lẽ đó, loại thuốc của tiến sĩ Ashish Kulkarni và các cộng sự tại trường y Harvard đã tiến hành giải quyết vấn đề này bằng cách “lôi” tế bào ung thư ra khỏi tình trạng ẩn nấp để các đại thực bào có thể nhận diện và tiêu diệt.
Theo Đỗ Dương / tuoitre.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC