Từ trái sang phải: lãnh đạo Liên Xô Stalin, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill. Ảnh: Getty
Vào giữa năm 1943, Thế chiến 2 đổi chiều theo hướng có lợi cho liên minh chống Hitler. Đức đã liên tiếp thất bại ở Stalingrad và Kursk, trong khi Nhật Bản cũng chung số phận trọng các trận chiến Midway và Guadalcanal.
Không thể đảo chiều tình huống tàn khốc, phát xít Đức đã lựa chọn một chiến lược khác: ám sát 3 đối thủ chính trong một "trận đánh". Quyết định được đưa ra là ám sát cả 3 lãnh đạo của Liên Xô, Anh và Mỹ.
Tình báo Đức ở Iran
Ý tưởng được đưa ra sau khi tình báo Đức phá được mật mã của Hải quân Mỹ vào tháng 9/1943 và biết được ý định của Stalin, Roosevelt, và Churchill về việc tổ chức một hội nghị ở Tehran vào tháng 10 cùng năm (theo các nguồn tin khác, rò rỉ từ Đại sứ quán Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ). Người Đức không muốn bỏ lỡ một cơ hội như vậy.
Khoảng cách đáng kể từ Đức tới Iran không phải là vấn đề, bởi Iran đã quá quen thuộc với Đức. Từ những năm 1930, Đức đã thiết lập một mạng lưới tình báo khá rộng ở Iran. Chính quyền Iran cũng có những điều khoản hữu nghị với Đức. Tuy nhiên, đến tháng 8/1941, lính Liên Xô và Anh được đưa tới Iran, và sau đó là cuộc thay đổi chế độ không đổ máu ở Iran, đảm bảo Iran sẽ gia nhập liên minh chống Hitler.
Có thể nói, trong 1 đêm, Iran từ đồng minh trở thành kẻ thù của Đức, ít nhất là về chính thức. Mạng lưới tình báo Đức mặc dù có giảm nhwng không phải là không còn. Sau một thời gian hoạt động ngầm, tình báo Đức "tái xuất" nhân Hội nghị Tehran, khi Hitler chỉ đạo tiến hành "Chiến dịch Long Jump (Bước nhảy dài)".
Chạy đua
Chiến dịch loại bỏ 3 nhà lãnh đạo được giao cho Trung tá Otto Skorzeny, mật vụ hàng đầu của Đức Quốc xã và là người chỉ huy đơn vị biệt kích giải thoát cho Benito Mussolini sau khi chính quyền phát xít Italy sụp đổ.
Trung tá Otto Skorzeny. Ảnh tu liệu: RBTH
Theo kế hoạch, các đơn vị mật vụ của Đức nhảy dù xuống Iran, sau đó thâm nhập ở Tehran, trà trộn vào đám đông và mai phục. Những ngày đó, người châu Âu ở thủ đô của Iran ít bị chú ý vì thành phố này ngập tràn người tị nạn từ những nước châu Âu bị chiến tranh tàn phá.
"Những người châu Âu ăn mặc lịch sự, lái những chiếc limousine thời thượng hoặc đơn giản là tản bộ khắp các con phố ở Tehran. Họ là những người tị nạn giàu có từ châu Âu chiến tranh, những người đã chuyển đến Tehran và sống ở đó khá thoải mái. Tất nhiên, có cả các mật vụ của phát xít trong đám đông đó", Boris Tikhomolov, viên phi công lái máy bay đưa Stalin tới Iran, nhớ lại.
Người Đức biết rằng dù các phái bộ ngoại giao của Anh và Liên Xô được đặt cạnh nhau, nhưng Đại sứ quán Mỹ thì lại nằm ở ngoại ô thành phố. Tổng thống Roosevelt, người sẽ phải di chuyển qua các con phố hẹp của Tehran mỗi ngày để tới tham dự các cuộc gặp, vì thế trở thành mục tiêu ám sát đầu tiên, thậm chí ông có thể bị bắt sống.
Nhóm mật vụ đầu tiên – gồm 6 người, trong đó có 2 người vận hành liên lạc radio – nhảy dù xuống khu vực gần Qum, cách thủ đô Tehran 70km. Sau khi thâm nhập vào thủ đô, nhiệm vụ của nhóm này là thiết lập liên lạc qua phát thanh với Berlin và "dọn đường" cho các nhóm tiếp theo. Trong vòng 2 tuần, những mật vụ này đã tìm tới được ngôi nhà an toàn các điệp viên địa phương thiết lập.
"Sảy chân"
Tuy nhiên, tình báo Liên xô cũng chẳng ngồi không. Từ rất sớm, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin đã bắt đầu nhận được thông tin từ các kênh khác nhau về âm mưu ám sát các lãnh đạo Đồng minh.
Nguồn tin chính là từ đặc vụ Nikolai Kuznetsov – một đặc vụ nói tiếng Đức rất tốt và đã từng thâm nhập vào lòng địch với vai trò là trung úy Paul Siebert của Đức quốc xã.
Đặc vụ Nikolai Kuznetsov. Ảnh: Sputnik
Trở lại thành phố Rivne ở Tây Ukraine, Kuznetsov đã kết bạn với sỹ quan Hans Ulrich von Ortel, người mà trong một cuộc nhậu, đã để lộ manh mối về chiến dịch ám sát sắp tới.
Khi bay tới Tehran, Stalin đã được thông tin đầy đủ về các kế hoạch của Đức. An ninh được siết chặt, và các mật vụ của Đức bị "dọn sạch" khỏi thành phố Tehran. Tổng thống Roosevelt thậm chí được mời tới ở trong Đại sứ quán Liên Xô, ngay kế bên phòng họp, vì các lý do an ninh. Tổng thống Mỹ đã vui vẻ đồng ký, một phần vì liệt chân khiến ông đi lại khó khăn.
Không mất quá lâu trước khi SMERSH (cơ quan phản gián Liên Xô) vạch trần được nhóm mật vụ đầu tiên của Đức. Nhóm này thậm chí bị vô hiệu hóa trước khi hội nghị Tehran bắt đầu.
Ngay khi Berlin phát hiện ra điều này, kế hoạch bị hủy bỏ. Chiến dịch Long Jump ngay lập tức sụp đổ./.
Nguồn: Hoàng Phạm/ VOV
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC