'Tôi khỏi ung thư máu nhờ tế bào gốc của anh trai'

'Tôi khỏi ung thư máu nhờ tế bào gốc của anh trai'

Sau 12 năm được ghép tế bào gốc đồng loài, người đàn ông ở Lạng Sơn hiện khỏe mạnh, có cuộc sống hạnh phúc.  

132 1 Toi Khoi Ung Thu Mau Nho Te Bao Goc Cua Anh Trai

Anh Bình chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn của mình. Ảnh: Công Thắng.

Sau 12 năm được ghép tế bào gốc đồng loài, người đàn ông ở Lạng Sơn hiện khỏe mạnh, có cuộc sống hạnh phúc.

Ung thư là chết. Ung thư máu lại càng khó sống hơn. Đó là quan niệm phổ biến. Thực tế, nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính đã khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.

Bước ngoặt

Anh Lâm Tiến Bình (Lạng Sơn) là ví dụ điển hình. Trong buổi ra mắt Câu lạc bộ Bệnh nhân ghép tế bào gốc của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), anh Bình xuất hiện khỏe mạnh, rạng rỡ. Không ai nghĩ người đàn ông này từng mắc căn bệnh Lơ xê mi kinh (ung thư máu).

Năm 2008, sau 3 tháng điều trị, anh được các bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ định ghép tế bào gốc. Nếu chậm, tính mạng của anh sẽ gặp nguy hiểm.

Anh Bình là ca ghép đồng loài đầu tiên được thực hiện tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và là trường hợp thứ 3 tại Việt Nam. Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, kể ê-kíp bác sĩ đã cân não trước ca ghép đầu tiên này với nguồn tế bào gốc được cho từ người anh trai ruột. Nguy cơ thải ghép rất cao. Lúc đó, Việt Nam chưa từng triển khai ca ghép tế bào gốc đồng loài nào.

“May mắn, ca ghép thành công. Điều đó đã đánh dấu một kỷ nguyên mới, đưa ghép trở thành một phương pháp đầy triển vọng cho những người mắc bệnh máu tại viện”, bác sĩ Bình kể.

Anh Bình cho biết sau khi kết thúc ca ghép tế bào gốc tại viện, anh chỉ phải dùng thuốc thêm 6 tháng theo chỉ định của bác sĩ. Từ đó đến nay, anh không phải điều trị thêm bất kỳ loại thuốc nào. Hiện tại, người đàn ông này khỏe mạnh bình thường và có cuộc sống hạnh phúc bên vợ con cùng công việc ổn định tại tỉnh Lạng Sơn.

"Tôi đã khỏi ung thư máu nhờ tế bào gốc của anh trai", anh nói. Người đàn ông này chia sẻ bản thân cũng như những người đồng bệnh khi phát hiện mình mắc ung thư máu, không phải ai cũng vượt qua được. Bởi họ phải đối đầu với cuộc chiến khó khăn, khốc liệt cả về thể chất, tinh thần lẫn kinh tế và cơ hội để chữa trị thành công là điều không tưởng. Nhưng cuối cùng, anh đã có thể sống khỏe mạnh như bao người khác.

Theo trưởng khoa Ghép tế bào gốc, ở Việt Nam, các nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc đã có những bước tiến vượt bậc, được đánh giá cao. Tế bào gốc được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau mà trước đây chưa làm được như: Các bệnh máu (ác tính, lành tính, di truyền), hỗ trợ trong điều trị ung thư, các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh…

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, giúp bệnh nhân mắc bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh.

Bên nhau vượt qua “cuộc chiến sinh tử”

Kể từ năm 2006, khi ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên thành công, đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện 445 ca ghép tế bào gốc, trong đó, 234 ca ghép tự thân, 211 ca ghép đồng loài.

Riêng về ghép đồng loài, đơn vị này đã nghiên cứu và triển khai nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn...

132 2 Toi Khoi Ung Thu Mau Nho Te Bao Goc Cua Anh Trai

Lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn tại Viện Huyết học - Truyền máu TW. Ảnh: Công Thắng.

Năm 2014, đây là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (không cùng huyết thống), đem lại cơ hội hồi sinh cho cả những người bệnh không tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp từ người thân.

Theo bác sĩ Bình, người được ghép đồng loại có thời gian sống sau 5 năm khoảng 70-80% ở bệnh lý suy tuỷ xương/đái huyết sắc tố; 70-80% ở bệnh lý thalassemia và 50-60% ở nhóm bệnh ác tính. Ở người ghép tự thân, tỷ lệ này là 60-70%.

Chuyên gia cho hay trong quá trình ghép tế bào gốc, người bệnh phải trải qua khoảng thời gian dài (1-3 tháng) trong phòng cách ly. Họ phải điều trị hóa chất liều cao, giúp tiêu diệt tế bào ác tính, tế bào miễn dịch tồn dư trong cơ thể, tạo điều kiện tốt để tế bào gốc vào cơ thể có thể phát triển ổn định. Hóa chất liều cao đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào lành tính, dẫn đến tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết, viêm loét...

Với người bệnh, ghép tế bào gốc là hành trình đầy khó khăn và thử thách cả về tinh thần và thể chất. Nhiều người bệnh gọi đó là một “cuộc chiến sinh tử”.

Người bệnh rất cần có thêm kiến thức từ các chuyên gia, bác sĩ để có biện pháp chăm sóc, duy trì sức khỏe. Đồng thời, họ cũng cần sự chia sẻ, động viên, được truyền thêm hy vọng và động lực từ những người bệnh đã ghép tế bào gốc để vượt qua cuộc chiến cam go bệnh tật. Câu lạc bộ Bệnh nhân ghép tế bào gốc ra đời nhằm đảm đương sứ mệnh này.

Phương Mai

Nguồn: zingnews.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan