1. Sự thân thiện của người Mỹ
Người Mỹ là một dân tộc hết sức thân thiện. Trong giao tiếp, họ luôn thể hiện sự thân mật và cởi mở. Họ tự giới thiệu về bản thân, chủ động giới thiệu những người khác và liên tục đặt câu hỏi.
Đặc biệt, họ luôn tạm biệt với một “Nice meeting you”, ngay cả khi người ta không đi xa hơn một cái bắt tay.
Tổng thống Trump dẫn người đồng cấp Pháp Macron tới Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 24/4 vừa qua. (Ảnh: BI)
Nếu lần đầu tiên tiếp xúc với người Mỹ, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi một người lạ trên xe bus cũng sẵn sàng kể cho bạn nghe việc bố họ đang mắc ung thư hoặc họ sắp ly hôn hay chuẩn bị bỏ việc vì ông sếp khó tính…
Đa số người Mỹ sẽ chẳng ngần ngại kể chuyện cá nhân cho một người lạ mặt nghe, dù đó là lần đầu tiên họ gặp bạn.
Ngoài ra, người Mỹ thường bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một lời khen: Người thu ngân trong siêu thị khen ngợi chiếc áo thun của bạn, người đạp xe đạp cạnh bên khen chiếc xe màu cam của bạn, người bán hàng khen tên của bạn…
Nói chung, người Mỹ luôn tìm thấy những điều tuyệt vời ở người khác và nói ra điều đó, đây là một phần trong tính cách của họ. Có lẽ một người dù “sắt đá” đến mức nào cũng sẽ cảm thấy vui lên một chút với những điều dễ thương này.
2. Sự tử tế của người Canada
Ở Canada, khi bạn đi ngoài đường, gặp một người đi ngược chiều, thông thường họ sẽ mỉm cười và nói “chào buổi sáng”, mặc dù họ chẳng biết bạn là ai.
Chưa hết, người Canada thường bị “cười” vì luôn xin lỗi, và xin lỗi vì bất cứ lý do gì. Họ xin lỗi bạn vì bạn đã va phải họ, thậm chí xin lỗi cái cây mà họ đâm phải… Có lẽ vì không muốn bất kỳ ai hay vật gì phải chịu tổn thương nên người Canada đã lựa chọn xin lỗi như một cách “chịu trách nhiệm”.
Ở Canada, ngay cả những con vật cũng được nhường sang đường trước. (Ảnh: NewshoundEdwin)
Đặc biệt, nếu bạn muốn sang đường tại Canada, hãy sử dụng cử chỉ thể hiện muốn sang đường, toàn bộ dòng xe đang lưu thông sẽ dừng lại chờ bạn. Các tài xế ở Canada sẽ dừng xe chờ bạn đi sang đường, bất kể có vạch trắng hay có đèn giao thông hay không. Thậm chí, những con vật cũng được nhường sang đường trước. Có lẽ đây là nét văn hóa đặc biệt chỉ có thể tìm thấy ở Canada.
Báo chí Canada đăng tải rất nhiều câu chuyện về sự tử tế của người dân. Ví dụ như, ở Ontario, một tên trộm gửi trả lại món đồ mà hắn đã trộm kèm với 50 đô la đính kèm và một bức thư xin lỗi: “Tôi không thể nói thành lời tôi hối lỗi đến mức nào. Hãy mở rộng tấm lòng tha thứ cho kẻ lạ mặt đã gây hại cho quý vị.”
3. Ngủ trưa kiểu Tây Ban Nha
Theo nhiều ghi chép từ sử sách, giấc ngủ trưa có nguồn gốc chính từ những người Tây Ban Nha. Trong ngôn ngữ nước này có một danh từ riêng cho giấc ngủ trưa là ‘siesta’, và giờ đây ‘siesta’ đã nổi tiếng toàn thế giới. Nhiều người còn nói vui rằng, văn hóa ngủ trưa của người Tây Ban Nha có thể được xếp vào danh sách các di sản phi vật thể của nhân loại.
Tại Tây Ban Nha, có lẽ chỉ Madrid hay Barcelona mới có các cửa hàng, trung tâm dịch vụ mở xuyên trưa, còn ở nhiều địa phương khác, phố xá đều im lìm trong khoảng thời gian nửa buổi chiều, có khi đến hết buổi chiều. Các cửa hàng ở Tây Ban Nha thường đóng cửa để nghỉ trưa từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ, các căng tin của nhiều trường Đại học cũng sẽ không phục vụ bữa trưa vào lúc 12 rưỡi hoặc 1h chiều, vì cho rằng khoảng thời gian này là…quá sớm.Thậm chí, Thị trưởng thành phố Ador còn chính thức áp dụng quy định ngủ trưa cho toàn dân kéo dài khoảng 3 tiếng (từ 14h đến 17h). Trong thời gian ngủ trưa chính thức này, người dân được yêu cầu phải giữ im lặng, tránh gây ồn ào đến xung quanh.
Theo nhiều ghi chép từ sử sách, giấc ngủ trưa có nguồn gốc chính từ những người Tây Ban Nha. (Ảnh: trithuctre)
Thói quen sinh hoạt kỳ lạ này không chỉ bắt nguồn từ quan niệm ngủ trưa là cách để tăng tuổi thọ và tận hưởng cuộc sống của người dân Tây Ban Nha mà còn bởi người Tây Ban Nha đã sống lệch múi giờ hơn 70 năm nay. Tây Ban Nha nằm cùng vĩ độ với Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha và theo múi giờ của Greenwich (GMT). Tuy nhiên, trên thực tế, họ lại theo múi giờ Trung Âu (CET).
Sống lệch với múi giờ cộng với văn hóa ngủ trưa quá dài, người Tây Ban Nha bị đánh giá là có nhịp sinh hoạt lộn xộn. Chính vì mất quá nhiều vào thời gian nghỉ trưa, người Tây Ban Nha phải tăng giờ làm việc đến đêm, có khi đến 9, 10 giờ tối họ mới từ chỗ làm ra về. Vì vậy mà họ lại dùng bữa tối cũng vô cùng muộn. Trong thời đại ngày nay, giữa sự phát triển nhộn nhịp của nền kinh tế, văn hóa siesta bị coi là làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Tây Ban Nha.
Những bữa ăn tối mỗi khi đồng hồ đã điểm 10h đêm (Ảnh: trithuctre)
Năm 2016, Thủ tướng nước này thông báo rằng Chính phủ đang có kế hoạch áp dụng giờ làm việc mới, kết thúc vào lúc 6h chiều thay vì 8h tối. Tuyên bố này ngay lập tức đã tạo làn sóng tranh cãi lớn trên cả nước. Những người hay ngủ trưa rất tức tối vì bị thay đổi một thói quen. Người Tây Ban Nha lâu nay đã thích nghi với việc thức khuya, không dành thời gian uống cà phê vào giữa giờ sáng mà tập trung làm việc, sau đó họ sẽ ăn và ‘seista’. Đó là một lối sống thư thái vô cùng ‘Tây Ban Nha’
4. Quỳ gối xin lỗi ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản có một văn hóa lâu đời là Dogeza (quỳ xuống cúi đầu) dùng để thể hiện sự hối lỗi và mong muốn được tha thứ.
Vào ngày 19/10/2016, trong một cuộc biểu tình đòi quyền lợi cho phụ nữ giải khuây (những người phụ nữ từ các quốc gia thuộc địa cũ của Nhật Bản, phần lớn là từ Hàn Quốc, bị quân đội Nhật cưỡng ép trở thành những nô lệ tình dục) – giờ đây đều đã là những cụ bà lớn tuổi – diễn ra trước cửa Đại sứ quán cũ của Nhật Bản tại Seoul (Hàn Quốc). Hành động của một cụ ông Endo Doru (79 tuổi), một giáo sư Nhật Bản đã trở thành một điểm nhấn đầy ấm áp và xúc động.
Tại cuộc biểu tình, vị giáo sư lớn tuổi nghẹn ngào:
“Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi trước những nỗi đau không thể bù đắp mà Nhật Bản đã gây ra cho dân tộc của các bạn trong quá khứ. Với tư cách một công dân Nhật Bản, tôi muốn gửi tới một lời xin lỗi sâu sắc nhất”.
Người đàn ông ấy kính cẩn quỳ gối, hạ thấp đầu, và gửi tới những người phụ nữ giải khuây Hàn Quốc lời xin lỗi tới từ tận đáy lòng.
Vị giáo sư quỳ gối xin lỗi tới những người phụ nữ giải khuây cũng như toàn bộ dân tộc Hàn Quốc trước những gì đã xảy ra. (Ảnh: trithuctre)
Được biết, ông Endo Doru đã lặn lội từ Nhật Bản tới Hàn Quốc và sẽ ở lại đây trong nhiều ngày để thể hiện tấm lòng thành và sự quan tâm đặc biệt của mình tới vấn nạn nô lệ tình dục trong chiến tranh.
Nghĩa cử chân thành của ông Endo Doru đã khiến những người chứng kiến, đặc biệt là các cụ bà – những nạn nhân trực tiếp của tội ác chiến tranh trong quá khứ – hết sức xúc động.
Mặc dù điều này không thể nào bù đắp lại những đau khổ, tủi nhục mà họ từng trải qua nhưng sự thành khẩn của người đàn ông Nhật chắc hẳn đã phần nào hàn gắn được vết thương nhức nhối trong lòng họ.
Thiện Nam
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC