Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường gặp những người có thể không học giỏi ở trường, không thông minh bằng bạn nhưng họ lại thành công hơn bạn. Tại sao vậy? Đó là bởi họ luôn tin vào bản thân, biết đặt sự chú ý của mình vào đúng chỗ và luôn tìm ra những điều tích cực, ngay cả trong những tình huống tồi tệ nhất.
Lúc nào cũng vậy, bạn lướt LinkedIn, Facebook hay một mạng xã hội nào đó và thấy bạn bè của mình vui mừng thông báo họ tìm được công việc mới, hay được thăng chức, tăng lương... Lúc đầu, bạn nghĩ rằng chắc chỉ là do may mắn thôi, nhưng sau đó lại chợt nhớ ra đây chẳng phải lần đầu tiên họ ăn mừng thành công. Và rồi bạn thầm nghĩ "Mình không thể hiểu nổi. Cô ấy ở trường không hề xuất sắc. Tính cách của cô ấy cũng không có gì nổi bật. Vậy tại sao cô ấy có thể làm được những điều mà mình không thể?".
Người bạn thành công của bạn có cách suy nghĩ khác bạn
Tỷ phú Oprah Winfrey từng nói: "Bạn trở thành điều mà bạn tin vào, không phải điều bạn nghĩ hay điều bạn muốn". Vế đầu của câu nói này đã nói lên tất cả. Những người bạn của bạn đó, đặc biệt là những người mà bạn luôn thầm cho rằng họ không thông minh và tài năng bằng bạn, đang tự tay tạo nên thành tựu cho chính mình, bạn có biết không?
Những người này, họ luôn giữ vững một niềm tin rằng họ có thể làm được mọi việc. Họ không bao giờ để những ý nghĩ, lời nói tiêu cực "gieo rắc" quá nhiều sự nghi ngờ vào não bộ của bản thân để rồi chúng khiến họ thất bại hay chùn bước.
Không chỉ vậy, họ cũng luôn có đủ niềm tin để vực bản thân dậy sau mỗi sai lầm hay thất bại để tiếp tục tiến về phía trước, không ngừng cố gắng cho tới khi đạt được kết quả như ý muốn. Nhưng điều quan trọng nhất là cách mà họ nhìn nhận những thách thức cũng khác những người bình thường.
Sự chú ý tập trung vào nơi nào, năng lượng chảy về nơi ấy
Khi tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào những việc bạn không thể làm hoặc những điều bạn nghĩ sẽ kéo bạn tụt lại phía sau, bạn đang tự phung phí một phần lớn năng lượng hữu hạn của bản thân chỉ để chống lại những suy nghĩ tiêu cực.
Những người cực thành công không như vậy đâu. Họ đã phải "rèn luyện" để sự chú ý của họ luôn tập trung vào giải pháp, khả năng và những khía cạnh tích cực của vấn đề. Đây chính là cách duy nhất để họ có thể giữ vững niềm tin vào bản thân.
Thế nhưng, điều này không có nghĩa là bạn nên làm ngơ trước các vấn đề và luôn nở một nụ cười giả tạo. Thay vào đó, hãy xây dựng và phát triển thói quen sử dụng sự chú ý của mình theo cách thông minh hơn bằng việc coi mỗi thử thách là một cơ hội, và đừng tiếp tục để những ý nghĩ tiêu cực rút cạn năng lượng của bản thân nữa!
Nếu coi thách thức là gánh nặng, con đường bạn đi càng chật vật, còn nếu coi nó là cơ hội, con đường bạn đi sẽ suôn sẻ hơn nhiều.
"Nữ hoàng truyền hình Mỹ" Oprah Winfrey không phải người duy nhất hiểu được điều này. Thử hỏi những người luôn đạt được mục tiêu xung quanh bạn mà xem, chắc chắn họ sẽ nói rằng họ đã phải học cách tập trung sự chú ý của họ vào những điều tích cực. Đó là một thói quen mà bạn phải xây dựng và tăng cường liên tục, giống như việc luyện cơ vậy.
Khi mới thành lập công ty, tôi đã sai lầm khi tập trung sự chú ý của mình vào những thách thức. Là một phụ nữ, lại khởi nghiệp tại một thị trấn ven biển nhỏ ở New Hampshire (Mỹ), tôi luôn lo lắng và tự tiêu tốn năng lượng của mình mỗi ngày với những suy nghĩ tiêu cực. Mãi cho tới khi tôi "tái huấn luyện" bộ não của mình, coi thách thức là cơ hội thì tôi mới có thể đưa công ty lên một tầm cao mới.
Hiện tại, tôi cũng dạy nhân viên của mình làm như vậy. Mỗi ngày, họ nhận ra càng nhiều cơ hội để tới gần với mục tiêu chung, bất kể trước đó đã từng xảy ra chuyện gì, thời gian chúng tôi cán đích càng ngắn. Và chúng tôi cũng luôn tự nói với nhau rằng "Nếu bạn muốn giành chiến thắng, bạn phải không ngừng nỗ lực mỗi ngày".
*Đây là bài viết của tác giả J.T. ODonnell trên trang Inc-Asean.com
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC