Khi nghĩ về vấn đề này thì cô bạn thân của tôi quay về nước sau khi du học Paris. Cô ấy mặc một bộ quần áo đơn giản trang nhã, toát ra cảm giác gọn gàng sạch sẽ. Cô ấy mang theo bên mình một chiếc túi xách trắng không có bất kỳ logo thương hiệu nào.
Trước khi ra nước ngoài, cô ấy không giống thế.
Trước khi đi, cô ấy là một người thích hàng xa xỉ, cực kỳ phô trương lãng phí. Mỗi khi đi ra ngoài, trên người cô không thể thiếu những thứ phụ kiện lấp lánh. Túi Chanel, đồng hồ Cartier, còn có cả các loại quần áo hàng hiệu mà tôi chẳng biết tên, khắp người cô ấy mang đầy các loại nhãn hiệu.
Có lẽ chỉ những nhãn hiệu đó mới có thể cho thấy cô ấy có “mắt nhìn hơn người”. Có vẻ như chỉ như vậy mới xứng đáng với sự tồn tại của cô ấy.
Còn nhà của cô ấy thì biến thành ‘viện bảo tàng đương đại’. Trên bàn trang điểm bày hàng trăm cây son, toàn bộ là hàng mới nhất của các thương hiệu. Nếu mở tủ đồ khổng lồ của cô ấy ra thì túi xách hàng hiệu sẽ rơi xuống. Tủ lạnh trong phòng ngủ của cô ấy còn có để hàng trăm lọ nước hoa Pháp.
Thế nhưng sau khi đi du học Paris về, điều đầu tiên cô ấy làm là mang tặng toàn bộ số nước hoa Pháp mà mình gìn giữ bấy lâu, một tủ đầy túi xách cũng dần dần xử lý hết.
Vài ngày trước đến nhà cô ấy, chiếc tủ lạnh để nước hoa không thấy đâu nữa, trên bàn trang điểm gọn gàng sạch sẽ, chỉ có một ít đồ trang điểm.
Tôi tỏ ra kinh ngạc, không biết là cô ấy trải nghiệm như thế nào mới mang đến sự thay đổi lớn đến thế. Còn cô ấy chỉ thản nhiên nói với tôi: 3 năm ở Pháp, mình đã hiểu ra một điều, con người ta thật ra không cần quá nhiều vật chất.
Và trong ánh nắng ấm áp, cô ấy đã kể một số chuyện.
Ở Pháp, không có ai xem trọng bạn hơn vì bạn có những thứ đắt tiền, cũng không có ai nhìn bạn bằng con mắt khác vì bạn xem nhẹ vật chất. Bạn là quý tộc nhiều đời hay người dân bình thường, tất cả những điều này đều viết trên mặt bạn, dung hòa trong mọi cử chỉ hành động của bạn và không cần quá nhiều vật chất để ngụy trang.
Vì vậy họ càng có thái độ khách quan hơn đối với vật chất. Xa rời khỏi sự huy hoàng, vật chất quay trở lại bản chất của nó. Chúng phục vụ cho cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta sống tốt hơn.
Trong một số gia đình người Pháp, có thể có một bộ đồ ăn đắt tiền. Dùng cách ăn tinh tế là tôn trọng cuộc sống. Nhưng họ rất có thể không có xe. Bởi vì hệ thống tàu điện ngầm bao phủ khắp các nẻo đường ở Pháp đủ để phục vụ bất cứ yêu cầu đi lại nào.
Chúng ta đã sớm quen với việc có một số thứ yêu thích: tôi có đồng hồ hàng hiệu, tôi có kim cương 3 cara, tôi có máy tính Apple, tôi có mắt kính hàng hiệu, tôi có hai chiếc xe, tôi có nhà ba phòng ngủ… tất cả đều như thể phải đeo đuổi không ngừng, vật chất trở thành thước đo duy nhất, tất cả mọi người đều chìm đắm vào nó và không ngừng bán mạng vì nó.
Người Pháp cũng có. Nhưng những gì họ có và những gì chúng ta có khác nhau. Họ có lúc nghỉ ngơi buổi chiều, một tách cà phê, một chiếc ghế. Họ có những bộ quần áo… họ không có quá nhiều, chỉ cần đủ mặc. Họ có những tiệm sách… từ xa xưa, họ biến chữ viết thành niềm vui. Họ có thói quen sống lành mạnh, ăn một ít bánh ngọt, thưởng thức một chút rượu vang.
Ngoài ra, khả năng sống tự do cũng có liên quan. Ở Pháp, mỗi người đều có thể sống theo lòng mình. Dù muốn trở thành thương gia giàu có hay người nông dân bình dị sống qua năm tháng đều đáng để người ta theo đuổi.
Tôi từng thấy một cô gái trẻ người Pháp tự đi du lịch, bởi vì cô ấy thích văn hóa phương Đông. Cô gái 21 tuổi đã đi mười mấy quốc gia bằng số tiền kiếm được nhờ đi làm thêm.Trong tương lai, ước mơ của cô là đến châu Á làm việc để làm một người giao lưu văn hóa.
Từ bỏ cuộc sống ở Pháp, bắt đầu từ con số 0 ở quốc gia khác không phải là sự lựa chọn thông minh. Nhưng ở nước ngoài lại là việc hết sức bình thường. Bởi vì sự theo đuổi trong đời quan trọng hơn nhiều so với vật chất.
Vì vậy người Pháp có nhiều điều mà họ theo đuổi trong cuộc sống, mặc kệ bạn có bao nhiêu căn nhà hay có bao nhiêu bộ quần áo, chỉ cần biết liệu bạn đã trở thành người mà mình mong muốn hay chưa.
Đa phần những cô gái 21 tuổi đều mua rất nhiều rất nhiều quần áo bằng tiền của bố mẹ, sau đó tranh nhau kết hôn với các đại gia, kiếm rất rất nhiều tiền, mua rất rất nhiều quần áo, dùng hằng hà sa số vật chất để nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.
Khi thiếu thốn cảm giác giá trị về bản thân, thì vật chất trở thành thước đo duy nhất; còn hễ tìm thấy giá trị của bản thân thì mới nhận ra, con người ta thật ra không cần quá nhiều vật chất.
Cũng như cô bạn tôi từng sống trong không gian đầy mùi vật chất, sau 3 năm du học lại trở thành một cô gái hoàn toàn khác. Cô ấy dọn dẹp hết số son trên bàn trang điểm, tặng hết hàng trăm lọ nước hoa quý giá, đây cũng là cho lòng mình không gian thoải mái.
Sau đó lại thêm một sự thay đổi nữa, dù xuất thân từ ngành Logistics quốc tế chuyên nghiệp cô lại chuyển sang làm nhà thiết kế. Tuy lương chỉ bằng một nửa, nhưng đó là điều mà cô luôn mơ ước. Trải nghiệm ở nước ngoài khiến giá trị quan của cô thay đổi, giúp cô theo đuổi được nguyện vọng của mình. Con người không cần quá nhiều vật chất, nhưng con người cần thỏa mãn những mưu cầu trong lòng mình.
Dù ở kinh đô thời trang Paris, mỗi ngày đều có đầy quần áo và vật chất đa dạng phong phú, người ta cũng không hề chìm đắm trong việc mua mua mua mà quên mất ý nghĩa cuộc sống.
Người ta biết rằng điều quan trọng hơn quần áo là người mặc chúng. Điều quan trọng hơn vật chất là làm thế nào để dùng vật chất giúp mình sống tốt hơn.
Người Pháp chỉ cần 10 bộ trang phục, vừa vặn là sự tôn trọng đối với cuộc sống, ít mà tinh tế. Bởi vì sự theo đuổi về cách sống khiến họ quan tâm đến việc mà mình làm chứ không phải là thứ mình mua. Đây mới là cách khiến cuộc đời chúng ta càng đủ đầy, những điều này đều quan trọng hơn vật chất nhiều.
Theo Vision Times
Thanh Tâm dịch
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC