Một chuyến tàu cao tốc hướng đến TP Thành Đô (tây nam Trung Quốc) khởi hành từ nhà ga ở TP Trùng Khánh - Ảnh: Tân Hoa xã
Đầu thế kỷ 21, Trung Quốc không có đường sắt cao tốc. Những chuyến tàu chậm chạp chạy khắp đất nước rộng lớn khiến những hành trình như Thượng Hải - Bắc Kinh trở thành bài kiểm tra về độ nhẫn nại. Nhưng nay thì đã khác, Trung Quốc đang có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.
"Bay không cần cánh"
Đài CNN ví von con người đã có thể "bay không cần cánh" nhờ vào những chuyến tàu cao tốc nhanh nhất thế giới. Kể từ thập niên 1980, hàng trăm tỉ USD đã được đầu tư vào các tuyến đường sắt cao tốc mới trên khắp châu Âu và châu Á, với tàu Shinkansen của Nhật Bản và Train a Grand Vitesse (TGV) của Pháp đi tiên phong.
Ở những nơi khác như Hàn Quốc, Saudi Arabia và đảo Đài Loan cũng đã xây các tuyến đường sắt cao tốc. Ấn Độ, Thái Lan, Nga và Mỹ nằm trong nhóm các nước cam kết xây dựng các tuyến đường sắt mới, với các đoàn tàu sẽ chạy giữa những thành phố lớn với tốc độ hơn 250km/h.
Nhưng trong thập niên qua, Trung Quốc, từ một quốc gia đi sau trong lĩnh vực giao thông hiện đại, đã nhanh chóng vượt lên và xây dựng được mạng lưới đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, tiếp cận hầu hết mọi nơi trên cả nước.
Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hoạt động vào năm 2008 giữa Bắc Kinh - Thiên Tân, theo báo South China Morning Post. Kể từ đó, nước này đã mở rộng mạng lưới trải dài hàng chục ngàn km. Đến năm 2020, khoảng 75% số thành phố có dân số từ 500.000 người trở lên của Trung Quốc đã có đường sắt cao tốc.
Theo Tân Hoa xã, tính đến cuối tháng 11-2023, tổng chiều dài của mạng lưới đường sắt Trung Quốc đã vượt 155.500km, trong đó có 43.700km là đường sắt cao tốc.
Sự phát triển của đường sắt cao tốc Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh trong năm 2023, với việc mở thêm nhiều tuyến mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là việc mở tuyến đường sắt Phúc Châu - Hạ Môn - Trương Châu dài 277km xuyên biển nhanh nhất Trung Quốc với tốc độ tối đa là 350km/h.
Làm chủ công nghệ tiên tiến
Trung Quốc ban đầu dựa vào công nghệ tốc độ cao nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản để làm đường sắt cao tốc. Những gã khổng lồ về kỹ thuật đường sắt toàn cầu như Bombardier, Alstom và Mitsubishi rất muốn hợp tác với nước này, do tiềm năng của thị trường tỉ dân và các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong thập niên qua, chính các công ty của Trung Quốc đã phát triển thành những công ty dẫn đầu thế giới về công nghệ và kỹ thuật tàu cao tốc. Hiện nay thiết kế tổng thể và công nghệ lõi của tàu cao tốc Phục Hưng (Fuxing) được phát triển độc lập ở Trung Quốc.
Trung Quốc đã làm chủ các công nghệ tiên tiến để xây dựng đường ray, cầu nhịp lớn và các đường hầm phức tạp... trong điều kiện địa chất và khí hậu đầy thách thức, giúp mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc đến các vùng sâu vùng xa.
Vào cuối tháng 11-2023, tuyến đường sắt Tứ Xuyên - Thanh Hải dài 238km ở phía tây Trung Quốc đã đi vào hoạt động sau 12 năm xây dựng. Cũng trong tháng 11 năm ngoái, tuyến đường sắt nối TP Lệ Giang và Shangri-la ở tỉnh Vân Nam (tây nam Trung Quốc) đã mở.
Đài CGTN (Trung Quốc) đã liệt kê những phát minh đang được sử dụng cho tàu cao tốc Trung Quốc. Trước hết là phần đầu khí động học được tối ưu hóa với dáng thuôn gọn có thể giảm lực cản không khí hiệu quả.
Phần đầu được làm bằng chất liệu đặc biệt gọi là "nhôm rỗng cỡ lớn siêu mỏng". Khi tàu chạy ở tốc độ tối đa, không khí phía trước bị nén mạnh nên kim loại phải bền, không được quá nặng, nếu không sẽ giảm tốc độ.
Một lý do khác giúp tàu đạt tốc độ nhanh là hệ thống lực kéo công suất cao. Theo truyền thống, một đoàn tàu có một đầu máy ở phía trước, do đó, khi tốc độ tăng lên, hệ thống lực kéo sẽ được phân bổ lại. Các kỹ sư đã điều chỉnh và hiện nay mỗi đoàn tàu cao tốc có từ 4 đến 6 đầu máy.
Để đảm bảo tàu chạy trong những điều kiện khắc nghiệt như trên cao nguyên hay sa mạc, chúng được trang bị hệ thống bogie (giá chuyển hướng) nâng cấp. Các bộ phận của giá chuyển hướng sẽ bị "lão hóa" sớm ở nhiệt độ cao và dễ vỡ ở nhiệt độ thấp.
Độ tin cậy của hệ thống giá chuyển hướng rất quan trọng nhằm đảm bảo tàu hoạt động an toàn và đáng tin cậy trong những trường hợp đặc biệt. Trên một chuyến tàu chạy với tốc độ 350km/h, tiếng ồn cũng là phiền toái lớn. Để giảm thiểu điều này, lưng ghế, đệm... được làm bằng vật liệu hấp thụ âm thanh mới phát triển.
Theo báo China Daily, hiện tại tàu cao tốc nhanh nhất ở Trung Quốc hoạt động với tốc độ 350km/h dọc theo một số tuyến dài. Tuy nhiên, Trung Quốc còn có tuyến tàu đệm hoạt động tại Thượng Hải (Shanghai Maglev) với tốc độ lên tới 430km/h.
Trung Quốc cũng đặt mục tiêu hoàn tất sản xuất nguyên mẫu tàu cao tốc CR450 EMU với tốc độ tới 450km/h.
Sẽ trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm nay
Bộ Xây dựng ủng hộ kịch bản đầu tư mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để chở khách và dự phòng cho chở hàng khi cần - Ảnh: V.N.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu từ năm 2005 đến nay. Quá trình nghiên cứu có sự tham gia của các đơn vị tư vấn nước ngoài, sự kế thừa kết quả nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Ngày 19-2-2024, Thường trực Chính phủ có công văn số 57/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Theo đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục bám sát nghị quyết của Trung ương Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội và tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp, khẩn trương hoàn thiện đề án.
Về phạm vi nghiên cứu, Thường trực Chính phủ lưu ý nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thêm đoạn tuyến TP.HCM - Cần Thơ. Về kịch bản đầu tư, Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi để lựa chọn phương án phù hợp nhất.
So sánh phương án đồng thời vận tải hành khách và vận tải hàng hóa với phương án chỉ vận tải hành khách. Xem xét phương án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách, còn hàng hóa chủ yếu vận tải bằng đường biển (cảng biển, bến thủy nội địa) và nâng cấp tuyến đường sắt hiện có.
Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3-2024. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Trong phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì ngày 26-3, Bộ GTVT bảo lưu phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ thiết kế là 350km/h, vận tải hành khách và hàng hóa khi có nhu cầu.
Tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chỉ vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng ngoài mục tiêu chở khách, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần tính toán việc góp phần tăng thị phần vận tải hàng hóa của đường sắt.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT tiếp thu, giải trình, làm rõ các ý kiến được nêu tại phiên họp, hoàn thiện phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...
Trong đó, làm rõ hiệu quả kinh tế, công nghệ, kinh nghiệm vận hành đường sắt tốc độ cao kết hợp vận tải hành khách với hàng hóa trên thế giới; phương án huy động nguồn vốn, phân kỳ đầu tư; mô hình tổ chức bộ máy quản lý, vận hành; phương án tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ ngành công nghiệp đường sắt trong nước...
BÌNH AN - THANH BÌNH - TUẤN PHÙNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC