BA.2 lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi vào cuối tháng 12-2021. Nó được coi là dòng phụ, xuất hiện từ một đột biến của Omicron. Bản thân Omicron cũng được sinh ra từ một đột biến của biến thể Delta.
"Không có bằng chứng nào cho thấy biến thể BA.2 gây bệnh nặng hơn, nhưng nó chắc chắn sẽ dễ lây lan hơn", Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Heunicke cho biết trong cuộc họp báo ngày 26-1.
Dòng BA.1 hiện chiếm 98% tổng số ca bệnh Omicron trên toàn cầu nhưng ở Đan Mạch thì dòng BA.2 thống trị kể từ tuần thứ hai của tháng 1.
Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm hàng đầu Đan Mạch SSI cho biết BA.2 lây nhiễm mạnh hơn BA.1 1,5 lần, nhưng không có sự khác biệt về nguy cơ nhập viện giữa 2 biến thể phụ.
"Có một số dấu hiệu cho thấy nó dễ lây lan hơn, đặc biệt là đối với những người chưa được tiêm chủng, nhưng nó cũng có thể lây nhiễm sang những người đã được tiêm chủng", bà Tyra Grove Krause, giám đốc kỹ thuật SSI, cho biết.
Ca bệnh liên quan đến BA.2 đã được ghi nhận ở ít nhất 43 quốc gia, nhiều nhất tại Đan Mạch, Anh, Thụy Điển và Na Uy.
Israel tiêm liều 4 cho người trên 18 tuổi
Cũng trong ngày 26-1, Israel thông báo bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 liều 4 cho người trên 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch và nhân viên y tế tuyến đầu.
Israel là một trong những quốc gia đầu tiên phát động chiến dịch tiêm chủng COVID-19 hàng loạt cho người dân. Sau đó, nước này tiêm nhắc lại vào mùa hè năm ngoái và cho tới nay bắt đầu tiêm liều 4 cho người cao tuổi và dễ bị tổn thương.
Người đứng đầu cơ quan ứng phó dịch bệnh COVID-19 của Israel, ông Nachman Ash trích dẫn nghiên cứu cho thấy liều thứ 4 của vắc xin Pfizer làm tăng kháng thể ở người tiêm lên 3-5 lần so với người tiêm 3 liều.
Theo số liệu của Bộ Y tế, hơn 600.000 người Israel, trên tổng dân số 9,4 triệu người, đã được tiêm liều vắc xin thứ tư.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC