Lẩu là món ăn quen thuộc với người Việt cũng như nhiều nước châu Á. Món ăn này xuất hiện trên bàn ăn của các nhà hàng sang trọng cho tới những quán ăn vỉa hè bình dân, và trong cả những bữa cơm của nhiều gia đình.
Gần gũi và thân thuộc là vậy, thế nhưng một vài thói quen khi ăn lẩu tưởng bình thường nhưng thực tế sẽ khiến chúng ta dễ gặp phải một số vấn đề không tốt với sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý cần thiết khi ăn lẩu để có một món ăn vừa ngon vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe để thưởng thức trong những ngày thời tiết dần chuyển lạnh.
1. Ăn đồ nhúng còn tái dễ bị vi khuẩn và kí sinh trùng “ghé thăm”
Nhiều người cho rằng các loại thịt và hải sản nên được ăn tái mới giữ được độ tươi ngon và dưỡng chất của các loại thực phẩm này. Đây là một quan niệm khá phổ biến nhưng rất sai lầm vì việc ăn đồ nhúng khi thực phẩm còn tái, đỏ vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn và kí sinh trùng “ghé thăm” cơ thể, xâm nhập vào đường tiêu hóa.
Thực phẩm tươi sống trong các món lẩu có thể chứa các mầm bệnh như E.coli, vibrio cholerae (vi khuẩn tả) và nhiều loại giun sán gây nhiều bệnh nguy hiểm. Thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín có thể mang vi khuẩn như salmonella, E. coli và listeria. Thịt bò cũng là nguyên liệu không thể thiếu trong thực đơn của các món lẩu. Thế nhưng, ăn thịt bò tái, chưa được nấu chín kĩ có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán dây bò – căn bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho những ai không may mắc phải.
Ăn thực phẩm còn tái tạo điều kiện cho vi khuẩn và các loại kí sinh trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Ảnh minh họa
Để đảm bảo an toàn khi thưởng thức các loại đồ nhúng trong món lẩu, trước hết cần đợi nước lẩu sôi cao rồi mới bắt đầu đưa thức ăn vào nồi lẩu để đảm bảo thức ăn được làm nóng và chín kỹ. Với thực phẩm thái mỏng thì nên nhúng trong nồi đun khoảng 1 phút để thịt chín kỹ hoàn toàn. Còn với các loại thực phẩm viên hay các loại thực phẩm có vỏ dày như tôm, sò, ốc thì nên nhúng trên 5 phút.
2. Không dùng chung đũa để gắp thực phẩm sống và chín
Đây cũng là một thói quen ăn uống tiềm ẩn nhiều nguy hại nhưng nhiều người vẫn thường mắc phải. Cũng giống với việc ăn đồ nhúng còn tái, việc dùng chung một đôi đũa để gắp đồ sống và chín vô tình tạo cơ hội cho nhiều loại vi khuẩn trong thức ăn sống dễ dàng xâm nhập vào khoang miệng của chúng ta. Do đó, thay vì sử dụng chung một đôi đũa cho nhiều mục đích, nên chuẩn bị các đôi đũa khác nhau để ăn đồ chín riêng, còn lại để gắp thức ăn sống – tránh vì sự tiện lợi trong chốc lát mà rước bệnh vào cơ thể sau này.
3. Lựa chọn thực phẩm, nước cốt lẩu chế biến sẵn
Hiện nay trên thị trường, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đều bày bán các loại thực phẩm dùng để nhúng lẩu được chế biến sẵn. Nhiều gói gia vị lẩu, sa tế đa dạng hương vị, giúp chúng ta có được nồi lẩu ngon như nhà hàng mà không cần mất thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, các sản phẩm này thường chứa nhiều dầu ăn, chất béo chuyển hóa (trans fat) và muối. Đây là những thành phần ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nếu chúng ta ăn lẩu thường xuyên.
Nước cốt lẩu cũng được biến hóa đa dạng với đủ vị và trọng lượng khác nhau được đóng vào các túi, khi ăn chỉ cần đổ ra nồi rồi đun sôi là có thể thưởng thức được luôn mà không cần qua nhiều công đoạn chế biến cầu kì. Khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, nhiều người tiêu dùng đặc biệt là các bạn trẻ đua nhau “săn lùng” tìm mua nước cốt lẩu Trung Quốc, cốt lẩu Trùng Khánh, Tứ Xuyên,... được bày bán tràn lan trên các “chợ mạng”. Các túi nước cốt lẩu này có giá rất rẻ, lại đa dạng các loại hương vị do đó đáp ứng được nhu cầu của nhiều người tiêu dùng.
Không chỉ nước cốt lẩu, nếu không muốn mất thời gian chế biến một nồi lẩu hoàn chỉnh, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt mua lẩu tự sôi dành cho một người ăn với giá cả cực kì rẻ, phù hợp với túi tiền của đa số các bạn học sinh, sinh viên. Các sản phẩm lẩu tự sôi cũng đa dạng mẫu mã, được bày bán trên rất nhiều trang mạng xã hội cũng như các sàn thương mại điện tử hiện nay.
Sản phẩm nước cốt lẩu chế biến sẵn rất được lòng người tiêu dùng, thế nhưng cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hại với sức khỏe. Ảnh minh họa
Các loại nước cốt lẩu hay lẩu tự sôi không phải là mặt hàng quá mới mẻ, thực tế đã được bày bán thường xuyên trong nhiều năm trở lại đây. Tiện lợi là vậy, thế nhưng việc sử dụng các sản phẩm nước cốt lẩu đóng gói sẵn hay lẩu tự sôi thực sự là mối đe dọa với sức khỏe người tiêu dùng. Bởi hầu hết các sản phẩm này nhập về Việt Nam qua đường tiểu ngạch, bao bì đều được viết bằng tiếng Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt. Do đó chúng ta rất khó kiểm soát được nguồn gốc của các nguyên liệu có trong các loại thực phẩm này, nguy cơ mất an toàn vệ sinh và ngộ độc thực phẩm khi sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ là vô cùng lớn.
Thay vì sự tiện lợi nhất thời, khi có thời gian, chúng ta vẫn nên tự chế biến nước lẩu tại nhà từ nước hầm xương và các nguyên liệu tươi. Với các thực phẩm nhúng lẩu, nên cân bằng giữa tinh bột, rau và thịt cá tươi.
4. Ăn quá lâu, dùng đồ ăn và uống nước lẩu quá nóng gây tổn hại đường tiêu hóa.
Chúng ta thường có thói quen ngồi nhâm nhi, nói chuyện và thưởng thức món lẩu trong nhiều giờ đồng hồ. Thế nhưng, việc ngồi ăn lẩu quá lâu và liên tục sẽ khiến hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao, đường ruột phải làm việc liên tục, dịch tiêu hóa giảm làm rối loạn đường tiêu hóa. Do đó, dù món lẩu có ngon đến mấy, chúng ta cũng nên để ý thời gian khi ăn và tốt nhất không nên ngồi quá 2 giờ.
Thời tiết lạnh khiến nhiều người thích ăn lẩu thật nóng để cơ thể cảm thấy ấm lên nhanh chóng. Tuy nhiên, thói quen ăn uống này cũng gây nhiều tác hại tới đường tiêu hóa, gây tổn thương khoang miệng, dạ dày và thực quản.
Việc ngồi ăn lẩu quá lâu và dùng thức ăn nóng liên tục sẽ gây nhiều tổn hại tới đường tiêu hóa. Ảnh minh họa
Nhiệt độ của nồi lẩu đang sôi trên bếp có thể tới mức hơn 100 độ C. Chính vì vậy, thực phẩm khi vớt ra khỏi nồi lẩu rất nóng. Lớp da mỏng trong miệng có thể bị tổn thương nếu chúng ta vội vã thưởng thức ngay các thực phẩm này. Theo cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), thói quen dùng đồ ăn thức uống trên 65 độ C có thể tăng nguy cơ ung thư thực quản. Do đó, khi gắp thực phẩm ra ngoài nồi lẩu, chúng ta nên đợi để thức ăn nguội bớt rồi thưởng thức.
5. Dùng một nồi nước lẩu từ đầu đến cuối
Việc ngồi lâu khi ăn lẩu dễ khiến nhiều người quên không thay nước lẩu sau một thời gian dài đun sôi. Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nan, nước lẩu khi đun sôi nhiều lần sẽ sinh ra nhiều chất có hại như muối, purine và nitrite. Nitrite tiếp xúc với các acid amin trong thịt ở nhiệt độ cao sẽ tạo thành hợp chất nitrosamines có khả năng phá hỏng cấu trúc DNA, làm tăng nguy cơ ung thư.
Nước lẩu khi đun sôi quá lâu sẽ sản sinh nhiều chất có hại cho cơ thể. Ảnh minh họa
Ngoài ra, nước lẩu càng về cuối sẽ càng tiết ra vị mặn sau quá trình nhúng thực phẩm. Lúc này, lượng purin, chất béo, natri và dầu mỡ trong nước lẩu tăng lên sẽ làm tăng axit uric trong máu – những người bị bệnh gout, huyết áp cao và đái tháo đường nên hạn chế uống nước lẩu. Nước lẩu sôi trên bếp trong thời gian kéo dài sẽ khiến vitamin bị phân hủy, chất béo bị bão hòa, không tốt cho sức khỏe. Do đó, cần thay nước lẩu sau khoảng 30 – 60 phút đun sôi trước khi thực phẩm bị biến chất.
6. Dùng đồ uống lạnh khi ăn lẩu nóng cản trở quá trình tiêu hóa
Khi ăn lẩu, cơ thể thường nóng lên và dễ đổ mồ hôi, do đó rất nhiều người thích uống nước lạnh khi ăn lẩu nóng để giúp hạ nhiệt trong người. Thế nhưng, cách ăn uống này rất có hại cho đường ruột và dạ dày. Ăn lẩu nóng và uống nước đá là tác nhân kích thích dạ dày co bóp, gây giảm tiết dịch tiêu hóa đồng thời làm giảm lượng men tiêu hóa. Từ đó khiến quá trình tiêu hóa của chúng ta bị cản trở.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới việc lựa chọn bếp ăn lẩu phù hợp. Đối với bếp gas, không sử dụng bếp gas mini đã cũ, bình gas hoen rỉ có thể gây xì ga, nổ bình ga dẫn tới bỏng. Với các loại bếp từ, bếp điện, chú ý dây cắm không bị hở, dễ gây ra tai nạn giật điện. Trong nước lẩu luôn sử dụng rất nhiều gia vị nóng như: hành, tỏi, ớt, sả,... Do đó hãy bổ sung thêm các loại rau, củ, quả có tác dụng thanh lọc, làm mát để giúp cơ thể giải nhiệt.
Một số người không nên ăn lẩu thường xuyên đó là người bị đau dạ dày - bởi khi chế biến nước lẩu, chúng ta thường cho vào các loại gia vị như sa tế ớt, sả, gừng,... để tăng độ hấp dẫn. Các gia vị cay, nóng sẽ tác động khiến dạ dày bị đau trở lại. Phụ nữ mang bầu cũng không nên ăn lẩu có nhiều gia vị cay nóng vì sẽ ảnh hưởng không tốt tới thai nhi. Những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu, phong thấp nên hạn chế hoặc không nên ăn các loại lẩu nhiều đạm, mỡ - dễ khiến cho bệnh tình có thể trở nặng hơn.
Lẩu là món ăn quen thuộc và dễ chế biến. Tuy nhiên, nếu không biết ăn uống đúng cách, món ăn này sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” gây nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, trong quá trình ăn uống, cần chú ý tới việc lựa chọn nguyên liệu cũng như các lưu ý đã được đề xuất trên đây để giúp món lẩu trong ngày lạnh vừa tăng thêm sự hấp dẫn lại an toàn cho sức khỏe.
Nguồn: Vietq.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC