Cảnh báo những bệnh thường gặp trong dịp Tết

Vào dịp tết, sự thiếu điều độ trong đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi… làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh tật, làm tiến triển bệnh mạn tính và phát sinh bệnh cấp tính.

Dịp tết là thời điểm khá đặc biệt, gia đình sum vầy, ăn uống vui vẻ. Nhưng tết cũng là dịp mà nhiều người có vấn đề về sức khỏe khá lo lắng, nhất là các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gút…

Cảnh báo những bệnh thường gặp trong dịp Tết - 0

Ảnh minh họa.

Ngộ độc thức ăn

Dùng thức ăn kém vệ sinh, ôi thiu; không quen thức ăn hoặc ăn cùng lúc những món kỵ nhau.

Biểu hiện như nôn ói và đi tiêu chảy; tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hơn hay tiêu chảy nhiều hơn.

Xử lý:

– Tìm cách nôn hết số thực phẩm đó ra vì cơ thể không hấp thu được.

– Cần bổ sung orezol để bù lại lượng nước và muối đã mất.

– Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy trừ khi đi quá nhiều lần và kéo dài, vì cơ thể cần thải ra các chất độc đã xâm nhập.

– Bệnh nhân tiêu chảy không nên uống nước ép trái cây đậm đặc vì có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn do làm tăng áp lực thẩm thấu trong ruột.

Viêm dạ dày cấp

Nguyên nhân chủ yếu là do uống nhiều rượu và sử dụng các chất kích thích như cà phê, ớt…

Người bệnh sẽ có biểu hiện đau bụng cồn cào nóng rát vùng thượng vị, kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Trường hợp nặng có thể có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa là nôn ra máu và đại tiện phân đen, phải được đưa đến bệnh viện.

Bệnh nhân viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy tuyệt đối không uống các loại nước ép trái cây có vị chua như: chanh, cam, táo, nho, dâu… vì loại trái cây này có nhiều chất hữu cơ làm tăng axít dạ dày, gây ợ nóng.

Bệnh táo bón

Dịp Tết, ăn nhiều thịt lại ít chất xơ, lười vận động, lạm dụng cà phê và các loại nước giải khát có chứa cafein càng làm cho cơ thể mất nước.

Biện pháp tránh bị táo bón

– Ăn đủ chất xơ: lớn hơn hoặc bằng 300g rau/ngày (rau quả, trái cây, các loại đậu, bột ngũ cốc nguyên vỏ cám).

– Uống nhiều nước: từ 6-8 cốc nước mỗi ngày (tương đương từ 1,5-3l). Uống nước vào buổi sáng sớm, trước khi ăn, sẽ kích thích nhu động ruột khiến việc đi tiêu dễ dàng hơn.

– Các loại nước trái cây, nước rau luộc cũng rất tốt.

Cảm lạnh và bệnh đường hô hấp

Viêm họng, cúm, viêm phế quản, viêm xoang, cảm lạnh. Khi cảm lạnh kéo dài quá một tuần thì có khả năng đã bị cúm, có thể dẫn đến viêm phổi, phế quản, viêm xoang…

Phòng bệnh: mặc ấm khi trời lạnh, không dùng chung khăn mặt và bàn chải đánh răng với người khác, che miệng khi ho, hắt hơi.

Nếu bị cảm lạnh, nên dùng nước đường nóng có vài lát gừng nướng chín, đồng thời bổ sung vitamin C và ăn cháo gà nóng để nâng cao sức khỏe.

Bệnh nhân bị sốt không nên uống nước ép trái cây ngọt vì dễ làm tăng đường huyết, khi đó các tế bào bạch cầu sẽ diệt khuẩn chậm chạp hơn.

Đái tháo đường

Thành phần thực phẩm trong bữa ăn phong phú, có nhiều loại ảnh hưởng đến đường máu, lipid máu, đặc biệt tăng đường huyết sau ăn. Đồ uống như bia có chứa nhiều đường, còn uống nhiều rượu sẽ không có lợi cho tim mạch và huyết áp, mà bệnh nhân đái tháo đường 50- 70% có biến chứng tim mạch.

Người bệnh đái tháo đường cần nhớ nguyên tắc: trước Tết, nên kiểm tra sức khoẻ để bác sĩ điều chỉnh đường máu, huyết áp, mỡ máu về giới hạn tối ưu, dùng thuốc đúng và đủ liều (phải bảo đảm đủ thuốc trong những ngày Tết). Ngay sau Tết nên đi khám lại sớm nhất nếu có thể.

Trong những ngày Tết cần gạt bỏ tâm lý “kiêng chữa bệnh”, không vì vui mà quên uống thuốc, chích insulin.

Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế tối đa uống nước ép nho và các loại trái cây có vị ngọt vì chúng chứa nhiều đường fructose, có thể gây tăng đường huyết, có thể dùng nước ngọt ăn kiêng nhưng hạn chế không nên dùng quá 1 lon/ngày. Tránh uống bia, rượu quá độ. Giờ giấc sinh hoạt cố gắng đảm bảo điều độ.

Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường cần giới hạn lượng nếp từ bánh chưng, bánh tét. Không nên ăn quả khô sấy, trái cây ngọt mà thay bằng trái cây nhiều nước như bưởi, thanh long, mận và rau.

Bệnh gút

Nhiều yếu tố tác động có thể gây khởi phát cơn gút cấp hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh. Đầu tiên là chế độ ăn uống không hợp lý, nhiều rượu bia. Chế độ ăn giàu đạm thịt như các loại thịt có màu đỏ, phủ tạng động vật, hải sản, trứng gia cầm là nguyên nhân quan trọng gây khởi phát cơn gút.

Ngoài chế độ ăn uống thì chế độ sinh hoạt cũng là một trong những yếu tố góp phần khởi phát cơn gút cấp. Người mắc bệnh gút còn có thể mắc nhiều bệnh và các yếu tố nguy cơ kèm theo, nên khám trước và sau Tết để dự phòng thuốc, sẵn sàng phòng xảy ra cơn gút cấp.

Những người bệnh gút nên ăn gạo, hoa quả các loại giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm. Tuyệt đối không ăn, uống bất kỳ một dạng chất chứa cồn nào như rượu, bia.

Duy trì một chế độ sinh hoạt điều độ. Trong ngày Tết vẫn cần các bài tập rèn luyện sức khỏe như ngày thường.

Đột quỵ

Tai biến này cũng thường tăng cao trong những ngày lễ tết. Cách phòng ngừa cũng tương tự như đối với bệnh tăng huyết áp. Người bệnh tim mạch cần mang theo mình các thuốc tim mạch thường dùng để phòng bất trắc. Phải ngừng mọi hoạt động, nằm ở một nơi yên tĩnh, uống thuốc trợ tim và gọi ngay cấp cứu khi thấy những dấu hiệu.

Những dấu hiệu cần lưu ý:

– Đau ngực trái, khó thở…

– Mệt mỏi, tê cứng ở cánh tay, chân, mặt hay một bên cơ thể.

– Hoa mắt, choáng váng khiến không nhìn thấy mọi vật, sây xẩm mặt mày, đứng không vững, khó nghe và khó nói.

Tự theo dõi trị số huyết áp thường xuyên; dự trữ đủ lượng thuốc trong dịp Tết để có thể phòng ngừa và xử trí kịp thời.

Các bệnh về khớp

Những biến đổi về nhiệt độ, độ ẩm là những ảnh hưởng không tốt đến dịch bao khớp và các thành phần quanh khớp.

Thông thường mùa đông với nhiệt độ thấp, khí hậu lạnh và khô chuyển sang mùa xuân thì nhiệt độ tăng dần, độ ẩm cao, cái lạnh của mùa đông không chấm dứt hẳn mà kéo sang mùa xuân, kết hợp với mưa xuân làm cho độ ẩm không khí cao.

Thủy thấp tích tụ và hình thành xâm nhập vào các khớp kích hoạt phản ứng viêm gây ra đau nhức khớp nặng hơn (dân gian thường gọi là bệnh phong thấp hay thấp khớp). Ngoài ra, việc đi du xuân, lễ chùa đầu năm, đi trẩy hội,… di chuyển nhiều, leo núi, leo bậc thang nhiều làm gia tăng áp lực lên các khớp và làm nặng hơn tình trạngviêm ở khớp.

Giảm đau bằng chườm ấm: đơn giản nhất là dùng túi chườm nước nóng, loại cho nước sôi vào túi, bọc khăn rồi chườm lên khớp đau. Các loại túi chườm khá đa dạng có bán sẵn trên thị trường. Nếu có thời gian hơn thì rang muối hột cho nóng, bọc khăn lại cho vừa đủ ấm rồi chườm lên vùng đau.

Hoặc trong nhà có sẵn ngải cứu hoặc lá lốt thì rang muối hột cho nóng xong, cho lá vào xào nóng, bọc lại chườm lên càng tốt. Hoặc cho muối hột vào tô, phủ lên lớp dược liệu là lá lốt hoặc ngải cứu đưa vào lò vi sóng 4 phút sẽ đủ nóng cho vào túi vải hoặc bọc trong khăn chườm nơi khớp bị đau, sẽ giảm đau giãn cơ hiệu quả.

Lưu ý giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, không nên ra ngoài vào lúc trời mưa và độ ẩm không khí cao. Đi bộ vừa phải, không nên leo bậc thang nhiều đặc biệt với những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối.

Rối loạn tiêu hóa

Thường do ăn uống không điều độ. Rối loạn tiêu hóa là một cụm từ dùng để chỉ sự thay đổi hoặc xuất hiện một số triệu chứng ở đường tiêu hóa ví dụ như: nôn, buồn nôn; đau bụng có khi âm ỉ, có khi từng cơn, có khi đau quặn; đi lỏng, phân lúc nhão, lúc rắn; bí trung tiện, bí đại tiện…

Chỉ cần sử dụng một số nguyên liệu sẵn có trong bếp cũng giúp được khá nhiều các triệu chứng khó chịu của đường tiêu hóa.

Buồn nôn:

– Gừng đã được sử dụng ít nhất cách đây hơn 2.000 năm và là một trong các loại thảo dược tốt nhất để trị chứng buồn nôn. Có thể dùng trà gừng, kẹo gừng hoặc dùng gừng tươi để giảm buồn nôn, giảm sốt ở trẻ em, phòng chống cảm lạnh, cúm…

– Bạc hà: trà, kẹo bạc hà cũng giúp chống buồn nôn.

– Gừng và vỏ quýt đun sôi, sau đó uống hỗn hợp này khi nóng để có công dụng tốt nhất. Gừng làm ấm bụng, hương thơm từ tinh dầu quýt sẽ làm bạn dễ chịu hơn và từ đó cơn buồn nôn sẽ chấm dứt.

Tiêu chảy:

Khi bị tiêu chảy, nôn ói (do ngộ độc thức ăn), lấy một củ gừng khoản một lóng tay, rửa sạch, nướng lên. Sau đó, cạo vỏ gừng, rửa lại một lần nữa cho sạch vết cháy. Cắt gừng thành từng miếng bỏ vào ly hãm uống như trà.

Gừng sẽ có tác dụng ôn ấm lại tỳ vị giúp cầm tiêu chảy rất tốt. có thể dùng phương pháp xoa bóp: đặt 2 bàn tay lên bụng xoa bóp theo ngược chiều kim đồng hồ (theo chiều kim đồng hồ sẽ kích thích tiêu chảy nhiều hơn). Hoặc chườm ấm vùng bụng cũng làm giảm tiêu chảy và các cơn đau bụng.

Đầy hơi: Dùng vỏ quýt tươi, cho vào nước rồi đun sôi, cho thêm đường trắng nấu thành hỗn hợp canh, uống nóng là tốt nhất. Bài thuốc này có tác dụng trị đầy hơi, thông khí huyết, khô rát họng.

Nguồn: Dkn.tv


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan