Người dân xếp hàng tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Quảng trường Thời đại, New York. Ảnh: AP
Theo tin tức từ AP, các nhà khoa học thừa nhận hiện nay không có gì đảm bảo rằng các biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 "sẽ gây bệnh nhẹ hơn hoặc các loại vắc xin hiện có sẽ hoạt động chống lại được chúng". Do vậy, điều cần thiết vẫn là chủng ngừa đại trà bởi cơ hội virus đột biến gia tăng theo mức độ lây nhiễm.
Hiện chưa rõ các biến thể tiếp theo sau Omicron trông ra sao, và chúng có thể ảnh hưởng như thế nào đến đại dịch.
"Omicron lây lan càng nhanh, virus càng có nhiều cơ hội đột biến, tiềm tàng dẫn đến nhiều biến thể nữa ra đời", AP dẫn lời Leonardo Martinez, một chuyên gia dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston (Mỹ).
"Các đợt nhiễm càng dai dẳng dường như là nguồn sinh của các biến thể mới", Stuart Campbell Ray, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins, cảnh báo.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, các vắc xin Covid-19 – đặc biệt là không có mũi tăng cường – có mức độ phòng ngừa Omicron kém hiệu quả hơn so với chống lại các biến thể khác dù chúng dường như làm tốt việc ngăn chặn bệnh trở nặng.
Tổ chức Y tế thế giới thông báo, trong 7 ngày qua, toàn cầu có thêm gần 20 triệu ca nhiễm Covid-19. Đến nay, Covid-19 tiếp tục tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 326,8 triệu người nhiễm bệnh và trên 5,55 triệu người tử vong. Số hồi phục đạt xấp xỉ 266,5 triệu trường hợp.
Nguồn: Thanh Hảo/ Vietnamnet.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC