BA.2 được xác định là nguyên nhân gây phần lớn các ca nhiễm gần đây ở một số nước, trong đó có Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển. Các cơ quan y tế Anh cũng đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc BA.2, và nhận định biến thể này có thể đã hiện diện ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giới khoa học đang theo dõi chặt chẽ "người em trai" của Omicron này, để xác định sự xuất hiện của nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự lây lan của Covid-19 trong tương lai.
Omicron đã trở thành nguồn chính khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trong thời gian gần đây. BA.2 là một nhánh của biến thể này.
Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều biến thể phụ khác nhưng họ đặc biệt quan tâm đến BA.2 vì nó có đến hơn 20 đột biến, với một nửa trong số này nằm ở protein gai, vốn được coi là chìa khóa để virus xâm nhập vào cơ thể. BA.2 cũng mang nhiều đặc tính đáng lo ngại, chẳng hạn khả năng lây nhiễm nhanh và dễ thoát khỏi hệ miễn dịch.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại Omicron là "biến thể cần quan tâm", và ở giai đoạn này không phân biệt giữa nó và dòng phụ BA.2
"Theo những gì chúng ta biết hiện nay, nó ít nhiều tương ứng với những đặc điểm mà chúng ta biết về Omicron", Bộ trưởng Y tế pháp Olivier Véran nói và mô tả thêm rằng, BA.2 sẽ không phải là yếu tố làm thay đổi xu hướng dịch bệnh hiện nay.
Cộng đồng khoa học đã bắt đầu lên tiếng về BA.2 nhưng vẫn tỏ ra rất thận trọng vì đến nay vẫn chưa có dữ liệu chính xác về mức độ kháng vắc xin hoặc mức độ gây bệnh nghiêm trọng của biến thể này.
Nguồn: Thanh Hảo/ Vietnamnet.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC