Ngày Tết, mọi người thường khó cưỡng lại sự cám dỗ của các món ngon như thịt gà, thịt bò… Tuy nhiên, ăn quá nhiều thịt lại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim, ung thư…
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa của bạn không còn sức để “tải” các protein, theo Brightside:
Táo bón
Táo bón có thể là hậu quả của tình trạng thừa sắt, vốn rất phổ biến trong các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu).
Bên cạnh đó, thịt đỏ cũng ít chất xơ hơn, một chất rất cần cho hoạt động của đường ruột.
Một số nghiên cứu cho thấy ăn quá nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư đường ruột. Do đó, hãy chỉ ăn 100-200g thịt đỏ/tuần và luôn kèm theo nhiều rau và ngũ cốc. Hãy cố gắng tránh ăn gan và thận, chuyển sang ăn hải sản, thịt gà và nên lựa chọn thịt luộc thay vì chiên rán.
Ảnh minh họa.
Thường xuyên cảm thấy đói
Nếu bạn luôn cảm thấy đói vào bất kể thời điểm nào, ngay cả khi bạn vừa ăn xong thì rất có thể bạn đã “nạp” quá nhiều protein. Khi cơ thể không “nạp” đủ tinh bột, đường máu sẽ giảm và cơ thể không thể sản sinh đủ serotonin, loại hoóc môn có nhiệm vụ điều chỉnh tâm trạng, làm bạn có cảm giác đói.
Nếu bạn nhận thấy mình luôn đói, hãy thêm hạnh nhân, ngũ cốc nguyên cám vào sữa chua.
Huyết áp cao
Nếu bạn có tiền sử huyết áp cao thì nên hạn chế ăn thịt. Thịt chế biến sẵn thường rất nhiều muối do cần bảo quản dài ngày. Bên cạnh đó, da gà và thịt đỏ cũng rất nhiều chất béo no. Tất cả những điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp và thậm chí là bệnh tim mạch.
Hãy cắt giảm lượng thịt bạn ăn vào, thay vào đó chuyển sang rau. Nếu thịt là thức ăn không thể thiếu, hãy thay thế bằng thịt nạc, hải sản vì chúng thường ít chất béo hơn.
Cơ thể nặng mùi
Hơi thở hôi và cơ thể nặng mùi là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã không tiêu hóa thịt như bình thường. Nếu thịt không được tiêu hóa tốt, mùi hôi từ hệ tiêu hóa sẽ lan đi, đến da và qua hơi thở.
Nếu có hiện tượng này, hãy bổ sung các enzyme tiêu hóa để thịt không còn tích tụ trong ruột.
Suy yếu hệ miễn dịch
Khi cơ thể bạn không tiêu hóa được thịt, bạn có thể dễ bị bệnh hơn thông thường. Hệ miễn dịch có thể bị tác động bởi loại đường tự nhiên Neu5Gc trong thịt đỏ, một chất rất khó tiêu hóa.
Loại đường này thường sản sinh trong cơ thể động vật, giúp chúng duy trì chế độ ăn thịt. Cơ thể chúng ta không sản xuất ra nó và đó là lý do vì sao chúng ta coi nó là một chất lạ, cần “ngăn ngừa” và kéo theo đó là nhiều vấn đề khác, trong đó ung thư là nghiêm trọng nhất.
Hãy ăn nhiều hơn các thực phẩm bổ dưỡng như các loại quả hạch, rau xanh và trái cây. Chúng sẽ cung cấp các chất chống ôxy hóa thiết yếu, chất xơ và protein, giúp đảm bảo nhu cầu protein của cơ thể.
Mệt mỏi
Nếu sau khi ăn thịt, bạn thấy mệt thì đừng nghĩ đó là điều bình thường. Nó có nghĩa rằng cơ thể bạn không thể tiêu hóa những thứ vừa ăn hay đơn giản là chúng đang “mắc kẹt” trong đường ruột. Khi bị tắc nghẽn, năng lượng trong cơ thể sẽ tập trung tại hệ tiêu hóa và vì thế bạn cảm thấy nặng bụng.
Cách tốt nhất là chuyển sang ăn các thực phẩm có màu xanh và tươi như trái cây, rau củ.
Buồn nôn
Buồn nôn là một biểu hiện phổ biến của tình trạng cơ thể không thể tiêu hóa tốt các thực phẩm từ thịt. Một số phụ nữ khi mang thai có cảm giác buồn nôn khi ăn thịt – có lẽ là do cơ thể họ từ chối thực phẩm này.
Nếu chuyển sang món sa lát không giúp bạn giảm buồn nôn và kèm theo đó là hiện tượng chuột rút 4-26 tiếng sau khi ăn thịt thì bạn nên đi khám ngay lập tức.
Đầy bụng
Các sản phẩm từ thịt là một trong những thực phẩm cơ thể khó tiêu hóa nhất do protein trong thị rất khó “bẻ gãy” và vì thế sau ăn thịt thường có cảm giác đầy bụng.
Một lượng lớn thịt mỡ nạp vào cơ thể sẽ gây lâu tiêu, đầy bụng, tức bụng. Tiêu hóa thịt kém cũng khiến cơ thể tích tụ đầy chất độc.
Thay vì ăn món bít tết, hãy chọn cá hoặc gà. Những loại thịt này dễ tiêu hóa hơn. Luôn có thêm rau ăn kèm. Và nếu bạn dừng ăn thịt, tình trạng khó chịu này sẽ nhanh chóng chấm dứt.
Phương Nam
DKN.TV
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC