Các nhân viên làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc năm 2017 (Ảnh: AFP).
Sputnik đưa tin ngày 27/1, các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã cảnh báo mối đe dọa từ NeoCov, một biến chủng mới của virus corona. Thực tế, NeoCoV không hẳn là biến chủng mới, nó có liên quan đến Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV). bùng phát ở các nước Trung Đông vào năm 2012 và 2015. Nó cũng có nhiều điểm tương đồng SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 hiện nay.
NeoCoV được tìm thấy ở loài dơi Nam Phi và đến nay mới chỉ lây lan giữa động vật. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chưa có bình duyệt của các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra rằng, NeoCoV và họ hàng gần gũi của nó là PDF-2180-CoV có thể sử dụng một số loại thụ thể enzym chuyển angiotensin (ACE2) ở dơi và ACE2 ở người để xâm nhập vào tế bào người. SARS-CoV-2 cũng dùng ACE2 để xâm nhập vào tế bào con người.
Các nhà khoa học của Đại học Vũ Hán và Viện sinh học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc nhấn mạnh, chỉ cần một đột biến đã đủ để virus này có khả năng xâm nhập tế bào người.
Dựa vào các phát hiện mới, các nhà khoa học cảnh báo, NeoCoV có thể gắn với thụ thể ACE2 , nhưng theo một cơ chế khác với SARS-CoV-2. Do đó, không kháng thể hay phân tử protein nào được tạo ra ở người từng mắc hội chứng MERS-CoV và/hoặc từng tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể chống lại biến chủng này. Vì vậy, NeoCoV có thể sẽ gây chết chóc như MERS-CoV (tỷ lệ tử vong khoảng hơn 30%) và dễ lây lan như SARS-CoV-2.
Bình luận về những phát hiện trên, các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu quốc gia về virus và công nghệ sinh học Nga cho rằng vẫn cần thêm các nghiên cứu để xác định mối đe dọa từ NeoCoV.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 và đã lan ra hầu khắp thế giới, khiến gần 6 triệu người tử vong. Trong hơn hai năm, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi tạo ra những biến chủng "đáng lo ngại" như Alpha, Beta, Gamma, Delta, Omicron.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron dễ lây lan nhưng ít nghiêm trọng hơn cùng với độ phủ vaccine toàn cầu tăng làm dấy lên kỳ vọng thế giới sắp thoát đại dịch, hoặc ít nhất Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, Omicron chưa phải biến chủng cuối cùng, virus có thể tiếp tục biến đổi khó lường. Thế giới cũng đối mặt với nguy cơ bùng phát các đại dịch khác trong tương lai, do vậy, để ngăn chặn nguy cơ này, các nước cần đầu tư cho hoạt động nghiên cứu cũng như phải chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó.
Theo Sputniknews
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC