Hứa hẹn về virus diệt tế bào ung thư

Kết quả thử nghiệm nhiều tiềm năng đã thu hút sự chú ý từ các nhà nghiên cứu và “những kẻ khổng lồ” trong ngành công nghiệp dược phẩm.

Ngày 2/5 vừa qua, “đại gia” ngành dược Johnson & Johnson thông báo là họ sẽ trả 1 tỷ USD để thâu tóm một công ty sản xuất chủng virus có khả năng diệt tế bào ung thư.

Đây là sự hỗ trợ đáng kể đối với một liệu pháp chưa được chứng minh, nhưng cuộc mua bán này chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy, cách tiếp cận này đang ngày càng nóng đối với ngành công nghiệp và các viện nghiên cứu.

Hứa hẹn về virus diệt tế bào ung thư - 0

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tăng hiệu quả điều trị u não bằng virus giết ung thư. Nguồn: Nature.com

Vào tháng Hai, Merck, công ty có trụ sở ở Keniworth, New Jersey, đồng ý trả 394 triệu USD để giành được một công ty của Úc chuyên về oncolytic, loại virus có thể diệt tế bào ung thư.

Vào tháng Tư, khoảng 300 người đã tham gia Hội thảo quốc tế về virus Oncolytic tại Oxford (Anh), trong khi vào khoảng những năm 2000, con số chỉ là 60 người. Simon Diallo, nhà sinh học phân tử tại Viện nghiên cứu bệnh viện Ottawa nói: “Đây chỉ là những cuộc gặp gỡ rất nhỏ của nhóm người yêu thích nghiên cứu về chủng virus này. Và giờ chúng tôi đã thấy sự thay đổi.”

Diallo nhận thấy, lĩnh vực đang được làm nóng với nhiều phát triển mới: quyết định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận talimogene laherparepvec (Imlygic) – chủng virus herpes đã được chỉnh sửa, để điều trị một số dạng u ác tính.

Đây là loại virus chống ung thư đầu tiên giành được sự hỗ trợ chính thống tại thị trường Mỹ; những bằng chứng mới được biết đến chủ yếu qua các nghiên cứu trên động vật là virus này phát huy tính năng tốt hơn nếu kết hợp với các liệu pháp khác như các chất ức chế kiểm soát điểm (checkpoint inhibitor) vẫn dùng để tăng phản ứng miễn dịch chống lại khối u.

Xóa sổ tế bào ung thư bằng phản ứng miễn dịch

Hàng thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã cố gắng phát triển loại virus có khả năng chiến đấu với ung thư và hy vọng tận dụng những quan sát nhiều thế kỷ nay về việc người bị ung thư đôi khi thuyên giảm sau khi nhiễm virus. Điều này đã thúc đẩy các nhóm phát triển một loạt loại virus – một số được thiết kế để an toàn hơn hoặc hiệu quả hơn – và tất cả phải trải qua vòng kiểm nghiệm lâm sàng.

Rất ít thử nghiệm thành công, thậm chí cả Imlygic cũng thất bại trong việc cho thấy sự cải thiện đáng kể về khả năng sống của bệnh nhân trong thử nghiệm lâm sàng then chốt. Tuy nhiên, các kết quả đã đủ để FDA chấp nhận liệu pháp cho u ác tính. Nghiên cứu đó cũng làm dấy lên những hy vọng trong giới nghiên cứu bằng cách chỉ ra virus được tiêm trực tiếp vào khối u có thể được lặp lại tác động ở các khối u khác trong cơ thể.

Đó là nhờ việc tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Sau khi virus lây nhiễm và giết các tế bào ung thư, hệ miễn dịch sẽ khởi động để loại bỏ virus, và đồng thời xóa sổ luôn các tế bào ung thư đã chết. Tomoki Todo, nhà phẫu thuật thần kinh ở ĐH Tokyo nói: “Tác dụng phụ từ việc loại bỏ virus là hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra các tế bào ung thư. Nó bắt đầu tấn công các tế bào ung thư khác không bị lây nhiễm bởi virus.”

Sự lạc quan thận trọng

Các nhà khoa học lý luận rằng việc thúc đẩy phản ứng miễn dịch như vậy – ví dụ như sử dụng ức chế điểm kiểm soát – có thể khuếch đại các hiệu ứng gián tiếp.

Trong khoảng thời gian Imlygic được chấp thuận, chất ức chế điểm kiểm soát đã cho thấy hứa hẹn trong việc chống lại các loại ung thư khác nhau, như u ác tính và ung thư phổi. Những chất ức chế này đôi khi giúp thuyên giảm tình trạng ung thư trong nhiều năm, nhưng chỉ hiệu quả đối với một nhóm nhỏ bệnh nhân.

Các nghiên cứu trên chuột chỉ ra rằng việc kết hợp chất ức chế điểm kiểm soát với virus giết ung thư có thể tăng phần trăm thành công.

Và một thử nghiệm lâm sàng nhỏ trên 21 bên nhân bị u ác tính, Imlygic cùng với chất ức chế pembrolizumab đã làm giảm đáng kể khối u ở 62% người tham gia và xóa chúng hoàn toàn trong 33% trường hợp.

Khi các nhà nghiên cứu kết hợp chất ức chế điểm kiểm soát với các liệu pháp khác, họ đạt được một số thành công kèm thất bại, chủ yếu trong thử nghiệm lâm sàng. “Liệu điều tương tự có xảy ra với virus oncolytic không? Tất nhiên rồi.” – Dmitry Zamarin – bác sĩ ung bướu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York, cho biết.

Nhưng Zamarin và những người khác đang kỳ vọng một cách thận trọng. Nhiều sự kết hợp chất ức chế điểm kiểm soát nhắm mục tiêu đến một protein đặc biệt – Zamarin lưu ý – khiến các virus oncolytic kích thích phản ứng miễn dịch rộng hơn nhiều có thể nhắm đến ung thư theo nhiều cách khác nhau.

Theo Thanh Trúc dịch / tiasang.com.vn

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-05104-1


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan