Vào đầu những năm 2000, nhà nhân khẩu học, tiến sĩ – bác sĩ Giovanni Pes đã phát hiện tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ cao rõ rệt tại một vài ngôi làng nằm ở trung tâm hòn đảo Sardinia. Ông gọi hòn đảo là một Vùng Xanh, thuật ngữ chỉ những vùng đất người dân sống thọ hơn bình thường. Theo thống kê trên hành tinh có tổng cộng năm Vùng Xanh.
Ảnh: Italian Breaks
Tại Sardinia, có không ít hơn 5 người nằm trong danh sách 40 người sống thọ nhất thế giới. Cụ ông Antonio Todde là người đầu tiên trên thế giới sống đến 110 tuổi. Cụ sống tại Tiana, một ngôi làng thuộc đảo Sardinia. Cụ Antonio đã sống qua ba thế kỷ: sinh vào những cuối thế kỷ 19 và mất đầu thế kỷ 21, cụ thọ 113 tuổi.
Ở trung tâm của Sardinia là vùng đất Silanus, nơi cư ngụ của 2,400 người. Tỷ lệ người sống trăm tuổi ở đây cao gấp 2 lần phần còn lại của Italy.
Tại những ngôi làng này, mọi thứ dường như vẫn còn đơn sơ và bình dị, tựa như một thế giới khác nếu so sánh với các đô thị văn minh. Tuy vậy chính sự biệt lập của các ngôi làng vùng núi đã giúp họ bảo tồn được những giá trị truyền thống trước cuộc xâm lăng của nền văn hóa hiện đại. Người dân Sardinia vẫn gìn giữ được những nét sống lành mạnh, giàu tình cảm và gần gũi với thiên nhiên. Người dân săn bắt, đánh cá, thu hoạch mùa màng. Mối quan hệ trong gia đình và với hàng xóm đều nồng ấm.
Trong chiếc lán đằng sau ngôi nhà tại làng Silanus, cụ Tonino Tola khi đó 75 tuổi đang mải mê với công việc. Đến 11h sáng, cụ đã vắt sữa bốn con bò, chẻ nửa đống củi, thịt một con bê và chăn cừu trên quãng đường dài hơn 6 cây số, một khối lượng công việc không tưởng ở độ tuổi 70.
Tại làng Silanus trên hòn đảo Sardinia thơ mộng, hình ảnh những cụ 70, 80 tuổi leo núi, chăn cừu không quá xa lạ. Với địa hình đồi núi, không khí thiên nhiên trong lành giàu oxy, cùng với quãng đường chăn cừu vài cây số mỗi ngày quả là bài tập thể lưc tuyệt vời, đồng thời giúp mọi người nhận được nhiều vitamin D từ ánh nắng mặt trời.
Ảnh: Blue Zones
Người Sardinia biết rằng họ sống để làm gì. Quan trọng hơn hết, họ biết hài lòng và cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Khi được hỏi liệu có bao giờ ông cảm thấy buồn chán, cụ Tonino vui vẻ trả lời: “Tôi yêu cuộc sống nơi đây mỗi ngày. Tôi yêu quý gia súc và chăm sóc chúng.
Quan hệ trong gia đình, tình làng nghĩa xóm đều sâu đậm, điều đang dần phai nhạt trong thế giới hiện đại. “Ngày hôm nay chúng tôi không thực sự cần đến thịt bê vừa mổ. Một nửa lượng thịt cho con trai và gần nửa còn lại được san sẻ cho hàng xóm. Nhưng nếu không có gia súc và công việc chăn nuôi, tôi sẽ ngồi nhà mà không làm gì, tôi sẽ không có mục đích sống”, cụ Tonio tâm sự.
Người Sardinia rất coi trọng các giá trị văn hóa gia đình. Đối với họ, gia đình nắm giữ vị trí tối cao. Ông bà cha mẹ yêu thương và chăm sóc con cháu, đến khi về già sẽ được con cháu phụng dưỡng. Người ta đã chứng minh được rằng trong môi trường gia đình hòa ái, tỷ lệ mắc trầm cảm, căng thẳng, tự sát sẽ thấp hơn, điều đang dần trở nên phổ biến tại thế giới văn minh.
Ảnh: spletnik.ru
Những món ăn của người Sardinia không phải sơn hào hải vị, nhưng cũng sẽ khiến nhiều người ước ao. Một bữa ăn của người Sardinian gồm có bánh mì, đậu, rau quả vườn và sữa dê. Nhưng điểm khác biệt nằm ở chỗ tất cả đều là thực phẩm trong vùng, không phun hóa chất, thuốc trừ sâu, không chất bảo quản.
Chế độ ăn của người Sardinia chủ yếu bao gồm rau củ quả. Sữa dê, một thực phẩm chính ở nơi đây, được cho là giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim mạch và sa sút trí tuệ tuổi già. Còn thịt đa phần dành riêng cho ngày chủ nhật hoặc những dịp đặc biệt. Người Sardinian cũng uống rượu Cannonau ở mức vừa phải. Rượu Cannonau chứa hàm lượng chất flavonoids tốt cho tim mạch cao gấp 3 lần các loại rượu khác.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Paola Piras, Ủy viên đặc trách Phòng Thương mại Cagliari, thủ phủ của Vùng tự trị Sardinia, đã chia sẻ rằng có lẽ không có bất cứ loại chất hóa học hỗ trợ nông nghiệp nào hơn được ánh nắng mặt trời, những ngọn gió trong lành của Địa Trung hải mà thiên nhiên đã ưu đãi cho Sardinia.
Bên cạnh ánh nắng chan hòa và ngọn gió trong lành, Saridinia còn là vùng đất tràn ngập tiếng cười. Nơi đây nam giới nổi tiếng với khiếu hài hước, chiều chiều dân làng tụ tập trên phố, cùng nhau trò chuyện vui đùa. Những nụ cười khiến cuộc sống của người dân nơi đây luôn tràn đầy sự lạc quan, xua tan căng thẳng và bệnh tật.
Cuộc sống của những người nơi đây tràn đầy lạc quan và hạnh phúc . (Ảnh: Healthways)
Sống chan hòa cùng thiên nhiên trong tâm thế thanh thản, người dân Sardinia rất ưa thích các hoạt động tập thể ngoài trời, họ ca hát và nhảy múa bất cứ khi nào có thể.
Song hành với đó, dần làng cũng không quên dành một chút tĩnh lặng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hòn đảo, như cụ Tonino đã làm suốt gần 80 năm qua mà chưa từng thấy nhàm chán.
Dù thiếu vắng các biện pháp điều trị y học tiên tiến và nhiều tiện nghi, nhưng người dân Sardinia vẫn luôn hạnh phúc và trường thọ, cuộc sống tuy đơn sơ bình dị song tràn đầy niềm vui.
Họ hòa mình vào thiên nhiên và ngược lại, thiên nhiên quyện với tinh hoa văn hóa truyền thống đã vun đắp nên những cư dân sống thọ, sống khỏe bậc nhất trên hành tinh.
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC