Nghiên cứu này đã được công bố trực tuyến trên tạp chí chuyên ngành Khoa học miễn dịch học.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu huyết tương có chứa kháng thể với COVID-19 để đánh giá trong phòng thí nghiệm và thu về kết quả cho thấy, cách thức miễn dịch - nhiễm trùng đột phá sau khi tiêm chủng hoặc nhiễm trùng tự nhiên - có thể cung cấp mức độ bảo vệ gần như ngang nhau.
PGS về vi sinh phân tử và miễn dịch học Fikadu Tafesse thuộc Trường OHSU - đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Không có gì khác biệt cho dù bạn bị mắc COVID-19 và sau đó tiêm chủng, hoặc nếu bạn được tiêm phòng và sau đó bị mắc bệnh. Trong cả hai trường hợp, bạn sẽ nhận được phản ứng miễn dịch thực sự, cao một cách đáng kinh ngạc".
Nghiên cứu này đã mô tả mức độ phản ứng miễn dịch cực cao sau các đợt nhiễm virus đột phá - được gọi là "siêu miễn dịch". Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng nhiều biến thể SARS-CoV-2 sống để đo sự trung hòa chéo của huyết thanh từ các trường hợp đột phá.
Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng việc một người khi bị nhiễm trùng hay được tiêm phòng sau thời gian nhiễm trùng tự nhiên không quan trọng. Trong cả hai trường hợp, phản ứng miễn dịch được đo cho thấy các kháng thể dồi dào hơn và mạnh hơn - ít nhất là gấp 10 lần - so với khả năng miễn dịch được tạo ra bằng cách tiêm chủng đơn thuần.
Nghiên cứu được thực hiện trước khi xuất hiện biến thể Omicron, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng các phản ứng miễn dịch lai sẽ tương tự.
"Khả năng bị lây nhiễm đột phá là rất cao vì có rất nhiều virus xung quanh chúng ta. Nhưng chúng ta bảo vệ bản thân tốt hơn bằng cách tiêm chủng. Và nếu virus xuất hiện, chúng ta chỉ bị bệnh nhẹ và mang siêu miễn dịch sau khi khỏi bệnh", PGS Tafesse cho biết thêm.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi tổng cộng 104 người, tất cả đã được tiêm vaccine Pfizer, sau đó chia họ thành 3 nhóm: 42 người được tiêm phòng không bị nhiễm virus, 31 người được tiêm phòng sau khi bị nhiễm và 31 người bị nhiễm virus đột phá sau khi tiêm phòng.
Kiểm soát độ tuổi, giới tính và thời gian kể từ khi tiêm phòng và lây nhiễm, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của mỗi người tham gia và cho các mẫu này tiếp xúc với 3 biến thể của virus SARS-CoV-2 sống. Các nhà khoa học nhận thấy cả hai nhóm có "miễn dịch lai" đều tạo ra mức độ miễn dịch cao.
Các nhà khoa học kỳ vọng rằng, với biến thể Omicron lây lan nhanh hiện đang lưu hành trên toàn cầu, mỗi lần lây nhiễm đột phá mới thì sẽ có khả năng đưa đại dịch đến gần hồi kết. Theo thời gian, virus sẽ đi vào vùng miễn dịch ngày càng mở rộng của con người.
"Những kết quả này, cùng với các nghiên cứu trước đây, chỉ ra rằng sẽ có thời điểm khi virus SARS-CoV-2 có thể trở thành một bệnh truyền nhiễm lưu hành nhẹ như nhiễm trùng đường hô hấp theo mùa, thay vì một đại dịch toàn cầu như hiện nay", PGS Tafesse cho hay./.
CTV Vũ Gia (biên dịch)
Theo OSHU
Nguồn: vov.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC