Nghiên cứu lớn nhất thế giới phát hiện 16 biến thể di truyền mới của dịch COVID-19

Nghiên cứu lớn nhất thế giới phát hiện 16 biến thể di truyền mới của dịch COVID-19

Thông qua nghiên cứu quan trọng và lớn nhất thế giới về di truyền học của dịch COVID-19, các nhà khoa học đã xác định chính xác 16 biến thể di truyền mới ở những bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng.

1 Nghien Cuu Lon Nhat The Gioi Phat Hien 16 Bien The Di Truyen Moi Cua Dich Covid 19

Các nhà khoa học đã xác định chính xác 16 biến thể di truyền ở bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng - Ảnh: REUTERS

Theo tạp chí khoa học Science Daily, trên 57.000 người ở Anh đã tham gia vào nghiên cứu này. Qua đó, các nhà khoa học phát hiện 16 biến thể di truyền mới liên quan đến đông máu, phản ứng miễn dịch và mức độ viêm.

Khám phá mới này có thể tìm ra các phương pháp giúp điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 không bị phát bệnh nặng, và còn có thể giúp dự đoán những bệnh nhân có khả năng bị bệnh nặng.

Nghiên cứu do Tập đoàn GenOMICC - một tổ chức hợp tác toàn cầu để nghiên cứu di truyền trong bệnh hiểm nghèo - phối hợp với Đại học Edinburgh (Scotland) và Genomics England (công ty chuyên về gene) thực hiện.

Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này bằng cách giải trình tự bộ gene của 7.491 bệnh nhân COVID-19 từ 224 đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Anh.

ADN của các bệnh nhân trên được so sánh với ADN của 1.630 người nhiễm COVID-19 nhẹ và của 48.400 người không nhiễm COVID-19.

Việc xác định toàn bộ trình tự bộ gene cho phép nhóm tạo ra một bản đồ chính xác và xác định sự biến đổi gene liên quan đến mức độ nghiêm trọng của COVID-19.

Các phát hiện bao gồm cách một biến thể gene đơn lẻ phá vỡ phân tử truyền tin quan trọng trong việc truyền tín hiệu của hệ miễn dịch - được gọi là interferon alpha-10 - đủ để làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng của bệnh nhân.

Điều này làm nổi bật vai trò quan trọng của gene đối với hệ thống miễn dịch. Phát hiện này cũng gợi ý cho việc điều trị bệnh nhân bằng interferon (protein do các tế bào miễn dịch tiết ra để bảo vệ chống lại virus), qua đó có thể giúp người mắc COVID kiểm soát bệnh trong giai đoạn đầu.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các biến thể trong gene kiểm soát thành phần trung tâm trong quá trình đông máu - được gọi là Yếu tố 8 - có liên quan đến bệnh nguy kịch ở COVID-19.

Giáo sư Kenneth Baillie, điều tra viên chính của dự án và là nhà tư vấn về y học chăm sóc đặc biệt tại Đại học Edinburgh, cho biết: "Những phát hiện mới nhất của chúng tôi chỉ ra các phân tử quan trọng cụ thể trong COVID-19. Những kết quả này giải thích tại sao một số người bị COVID-19 đe dọa tính mạng, trong khi những người khác hoàn toàn không có triệu chứng”.

Giáo sư Mark Caulfield từ Đại học Queen Mary ở thủ đô London, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết: "Khi COVID-19 phát triển, chúng ta cần tập trung vào việc giảm số người bị bệnh nặng và phải nhập viện. Thông qua toàn bộ nghiên cứu giải trình tự bộ gene, chúng tôi đã phát hiện ra các biến thể gene mới khiến mọi người mắc bệnh nặng".

Ông Lord Kamall, lãnh đạo của Bộ Y tế và chăm sóc xã hội (DHSC), nhận định: "Nghiên cứu này là một bước tiến quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về cách COVID-19 tác động đến một số người nhất định. Điều này cho phép chúng tôi thực hiện hành động cần thiết để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và cứu sống họ".

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan