Người cao tuổi cần lưu ý gì trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19?

Người cao tuổi cần lưu ý gì trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19?

Bộ Y tế hướng dẫn những điều người cao tuổi cần lưu ý trước, trong và sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Theo Bộ Y tế, người cao tuổi (NCT) có thể đăng ký tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo 3 cách.

Cách 1: Đăng ký trực tiếp với cán bộ địa phương tại nơi cư trú.

Cách 2: Truy cập Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 ở đường dẫn: https://tiemchungcovid19.gov.vn/ để đăng ký trực tiếp trên website.

Cách 3: Đăng ký tiêm vaccine COVID-19 qua ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS; khi tải về sẽ có phần đăng ký, cần đăng nhập với số điện thoại.

1 Nguoi Cao Tuoi Can Luu Y Gi Truoc Va Sau Khi Tiem Vaccine Covid 19

Người cao tuổi cần chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để có thể trạng tốt nhất vào ngày tiêm chủng. (Ảnh: Hoài Thương)

Lưu ý trước khi tiêm

Khi đã đăng ký tiêm vaccine thành công, người cao tuổi cần khai báo y tế. Cần chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ để có thể trạng tốt nhất vào ngày tiêm. Lưu ý, người cao tuổi cũng cần tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích trong vòng 2 - 3 ngày trước khi tiêm.

Khi đi tiêm chủng, người cao tuổi nhớ mang theo CCCD/CMND hoặc thông báo mã định danh cá nhân có mã QR do công an cấp, giấy xác nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 trước đó, sổ khám bệnh, đơn thuốc.. sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có). Người cao tuổi nên có người thân đi cùng để hỗ trợ trong các trường hợp cần thiết.

Khi đến địa điểm tiêm chủng, người cao tuổi cần đeo khẩu trang, thực hiện thông điệp 5K và nghe theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Khi tiêm, cần lưu ý gì?

Người cao tuổi cần thông báo cho cán bộ y tế các thông tin về tiền sử bệnh của cá nhân như:

Tình trạng sức khỏe hiện tại, có sốt hay đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mạn tính đang tiến triển, đặc biệt là tình trạng bệnh gợi ý COVID-19 không.

Đối với tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19, cần khai chính xác loại vaccine COVID-19 đã tiêm và thời gian đã tiêm vaccine.

Người cao tuổi cũng cần khai bảo tất cả về tiền sử dị ứng, tiền sử mắc COVID-19, suy giảm miễn dịch hay mắc các bệnh ung thư, đang điều trị hoá trị, xạ trị và tiền sử đông máu/cầm máu (nếu có).

Bộ Y tế lưu ý, ngay sau khi tiêm, người cao tuổi cần ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng và không tự ý bỏ về trước thời gian quy định.

PHẠM QUÝ

Nguồn: vtc.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan