1. Bữa ăn mất cân bằng về dinh dưỡng
Chúng ta đều biết chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng với sức khỏe. Muốn khỏe mạnh trong bữa ăn phải cân bằng bốn nhóm chất dinh dưỡng: Chất đạm (protein), chất béo (lipid), chất bột đường (gluxid hoặc carbonhydrat), nhóm vitamin khoáng chất và chất xơ.
Nhưng trong mâm cơm ngày tết lại quá nhiều chất đạm và chất béo từ các món: Thịt, cá, giò, chả, nem, thức ăn nhanh (thịt hun khói, xúc xích, lạp xưởng), thịt kho tàu, thịt nấu đông…
Nhóm chất bột đường cũng quá nhiều từ bánh chưng, bánh tét, bánh, mứt kẹo, nước ngọt, các loại quả sấy khô…
Trong khi đó, rau xanh, trái cây - những thực phẩm tốt cho sức khỏe nên ăn nhiều trong mỗi bữa ăn thì lại rất thiếu trong các bữa ăn ngày tết. Đây là nhóm cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ - một nhóm chất quan trọng đối với sức khỏe.
Bữa ăn ngày tết thường mất cân bằng về dinh dưỡng.
Một chế độ ăn dư thừa chất đạm, chất béo, chất ngọt nhưng lại thiếu vitamin, chất khoáng và chất xơ… ngay cả người bình thường đã không tốt, còn đối với những người mắc bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, gout, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, suy thận, bệnh dạ dày, viêm đại tràng... vô cùng nguy hại.
Ăn quá nhiều chất đạm ảnh hưởng đến bệnh nhân suy thận, làm cho tình trạng bệnh nặng lên. Ăn quá nhiều chất béo gây tăng tình trạng rối loạn mỡ máu, tăng tình trạng xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não…
Uống quá nhiều bia rượu, nước ngọt... gây hại cho những người bị xơ gan, gout, tim mạch, đái tháo đường. Các món ăn sẵn như thịt xông khói, lạp xưởng, xúc xích... chứa lượng muối và mỡ cao, cực kỳ không tốt cho người bị tăng huyết áp. Nhiều người bị đột quỵ ngay sau bữa ăn uống nhiều bia rượu ngày lễ tết. Uống nhiều rượu có thể gây hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị với thuốc hạ đường huyết.
2. Ăn uống không điều độ
Trong dịp tết, chúng ta ít quan tâm đến việc ăn uống điều độ, thường xuyên ăn không đúng bữa, ăn vặt quá nhiều, ăn nhiều đồ ngọt như mứt, bánh kẹo… là một trong những nguyên nhân làm tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, nhiều khi dẫn đến hôn mê do đường huyết quá cao.
Đồ ngọt cũng làm tăng mỡ máu ở người rối loạn chuyển hóa lipid. Bữa ăn không điều độ đúng giờ, no dồn đói góp ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh đái tháo đường. Đường huyết không được kiểm soát do ăn không đúng giờ và không ổn định, không phù hợp với liều thuốc thường ngày, dẫn đến đường huyết tăng quá cao hoặc có thể bị hạ đường huyết cũng dẫn đến hôn mê.
Do vậy, người bệnh đái tháo đường cần duy trì một chế độ ăn điều độ, đúng giờ, bữa ăn không nên chênh lệch nhiều với lượng thức ăn hàng ngày, tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít.
3. Ăn nhiều món ăn chứa nhiều muối, nhiều mỡ
Điều đáng chú ý nhất trong chế độ ăn của người bệnh tăng huyết áp là chế độ ăn giảm muối nhưng những món ăn truyền thống là hành muối, dưa muối, giò, chả, thịt hun khói, xúc xích… đều chứa sẵn muối, thường không thể thiếu trong ngày tết cũng là nguyên nhân làm huyết áp tăng cao, có thể dẫn đến đột quỵ, cho nên người tăng huyết áp nên hạn chế những món ăn này.
Mâm cơm ngày tết mọi người thường chuẩn bị nhiều món ăn, cầu kỳ hơn những ngày bình thường, các món xào, chiên, rán, nướng dùng nhiều dầu mỡ thường rất hấp dẫn. Chính vì ngon miệng, mọi người hay ăn khá nhiều. Một số món xào sử dụng tim, gan, cật làm lượng cholesterol máu tăng cao.
Ngoài ra, có rất nhiều món chứa nhiều mỡ động vật như canh măng nấu chân giò, thịt đông, giò thủ (giò xào)… làm mỡ máu tăng cao, gây xơ vữa động mạch, cũng có thể dẫn đến đột quỵ như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...
Người rối loạn mỡ máu nên chú ý đến không ăn nhiều thực phẩm nhiều béo, không ăn quá no, tránh thừa năng lượng. Sau một bữa tiệc rượu, bia và nhiều loại thịt, các loại nước xương hầm có thể làm khởi phát một cơn gout cấp, khiến các khớp gối của người bệnh gout mạn đau, sưng tấy, dẫn đến đi lại khó khăn trong những ngày tết.
Để phòng ngừa đợt cấp tiến triển này, người bệnh gout nên hạn chế dùng bia, rượu, ăn một lượng vừa phải chất đạm có nguồn gốc động vật, thủy hải sản. Đặc biệt các loại nước dùng chế biến từ xương, thịt hầm, chỉ nên ăn vừa phải vì nhân purin trong thực phẩm sẽ hòa tan vào nước, làm tăng lượng purin trong chế độ ăn. Khi bị gout, nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như các loại cam, quít, bưởi, và các quả chín khác và nhớ uống nhiều nước.
4. Tích trữ quá nhiều thực phẩm, nấu nhiều món ăn
Đây cũng là một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải trong dịp tết. Khi mua quá nhiều thực phẩm dù có được bảo quản trong tủ lạnh thực phẩm vẫn có thể bị hư hỏng, nấu quá nhiều món ăn, ăn không hết đổ đi rất lãng phí, để lại dễ bị ôi thiu, khi ăn những thức ăn này dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt nguy hiểm với người bị bệnh về đường tiêu hóa: Viêm loét dạ dày, viêm đại tràng mạn tính, hội chứng ruột kích thích…
Tết đến xuân về là dịp để mọi người đoàn viên, là dịp để các gia đình tụ họp sum vầy, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống, nhưng chúng ta vẫn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý. Những người bị các bệnh mạn tính càng cần chú ý đến vấn đề ăn uống trong dịp Tết hơn, nếu không sẽ khiến tình trạng bệnh trở nặng có khi còn nguy hiểm đến tính mạng.
ThS.BS. Lê Thị Hải
Viện Dinh dưỡng quốc gia
Nguồn: suckhoedoisong.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC