Leondios Kostrikis, giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Cyprus, gọi chủng này là "Deltacron", vì các dấu hiệu di truyền giống Omicron của nó trong bộ gene Delta, Bloomberg đưa tin hôm 8/1.
Cho đến nay, giáo sư Kostrikis và nhóm của ông đã tìm thấy 25 trường hợp nhiễm virus này, sau khi giải trình tự 1.377 mẫu trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của SARS-CoV-2 ở Cyprus.
"Tần suất phát hiện biến chủng cao hơn ở những người nằm viện, điều đó có nghĩa là có mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện", ông Kostrikis nói.
Vị giáo sư cho biết vẫn còn quá sớm để kết luận về khả năng lây lan hay những tác động mà chủng Deltacron có thể gây ra.
Một nhà nghiên cứu ở Cyprus nói rằng đã phát hiện ra một chủng SARS-CoV-2 kết hợp giữa Delta và Omicron. Ảnh: Orpheus FX.
“Chúng ta còn cần phải xem xét thêm để biết liệu chủng này có gây bệnh nặng hơn, dễ lây lan hơn hay không”, ông Kostrikis cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Sigma TV hôm 7/1.
Giáo sư nói thêm ông tin Omicron vẫn chiếm phần lớn số ca bệnh mới trong thời gian tới, so với Deltacron.
Các nhà nghiên cứu trong tuần này đã gửi phát hiện của họ tới GISAID, một cơ sở dữ liệu quốc tế theo dõi virus, theo Bloomberg.
Cyprus đang vật lộn trong làn sóng dịch thứ 5 ở nước này, với số ca nhiễm mới tăng vọt lên khoảng 5.500 trường hợp mỗi ngày, trong khi dân số chỉ dưới một triệu người.
Chỉ trong vòng 2 tuần từ 21/12/2021 đến 3/1/2022, nước này ghi nhận mức tăng kỷ lục 28.414 ca bệnh, theo báo cáo giám sát quốc gia của Cyprus về Covid-19 được công bố ngày 7/1.
Biến chủng Deltacron xuất hiện khi Omicron tiếp tục lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, gây ra sự gia tăng số ca Covid-19 đột biến ở nhiều khu vực.
Mỹ báo cáo trung bình hơn 600.000 trường hợp mới mỗi ngày trong tuần này, tăng 72% so với tuần trước và là kỷ lục về đại dịch ở nước này, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins tính đến ngày 7/1.
Hồng Ngọc
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC