Cô Cristina Valdivia, một người mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha, bị rối loạn khứu giác sau khi hồi phục. Cô không thể chịu được mùi cà phê vì với cô "nó có mùi pha trộn giữa xăng và thứ gì đó đang thối rữa" - Ảnh: AFP
Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học Bỉ và Đức khẳng định virus không lây nhiễm các tế bào thần kinh cảm giác khứu giác (OSN) nằm bên trong niêm mạc khứu giác ở hốc trên mũi.
Các OSN giúp con người cảm nhận được mùi và được quấn chặt với nhau bằng một loại tế bào hỗ trợ. Theo nhóm nghiên cứu Bỉ và Đức, SARS-CoV-2 lây nhiễm tế bào hỗ trợ chứ không tấn công vào OSN.
Kết luận này trái ngược với các nghiên cứu trước đó cho rằng virus xâm nhập vào OSN dẫn đến việc người bệnh bị mất khứu giác.
Ông Peter Mombaerts, tác giả nghiên cứu, cho rằng phát hiện của nhóm ông là một thông tin quan trọng.
Nếu SARS-CoV-2 thực sự lây nhiễm cho OSN, virus này có thể xâm nhập vào các vùng não sâu hơn và gây tổn thương lâu dài tại đây do các tế bào thần kinh không tái tạo sau khi mất. Tuy nhiên, nếu virus chỉ lây nhiễm cho các tế bào nâng đỡ, tổn thương có thể ít lâu dài hơn.
Theo ông Mombaerts, kể cả khi OSN không bị nhiễm virus, các tế bào hỗ trợ bị phá vỡ vẫn khiến OSN không thể hoạt động chính xác hoặc ngừng hoạt động cho đến khi tế bào hỗ trợ được tái tạo.
Cứ 10 bệnh nhân COVID-19 thì có 1 người bị mất khứu giác hoặc bị rối loạn khứu giác trong thời gian dài, thậm chí là vĩnh viễn. Tại Tây Ban Nha, có khoảng nửa triệu người bị rối loạn khứu giác khi mắc COVID-19, gần 1/4 trong số này tiếp tục bị dù đã hồi phục.
Điều này đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người hậu COVID-19, là ác mộng với những người sống nhờ chiếc mũi như các chuyên gia thử rượu, món ăn. Có người ngửi mùi đậu phộng ra tôm, thịt nguội lại có mùi giống bơ và đa số có cảm giác như có mùi gì đó cháy khét quanh mình.
Các nghiên cứu trước sử dụng mô hình động vật, các cụm tế bào gốc thần kinh được nuôi cấy trong đĩa thí nghiệm và mô sau khi chết được lấy từ một số lượng nhỏ bệnh nhân COVID-19.
Nghiên cứu của nhóm ông Mombaerts hiện là nghiên cứu lớn nhất trên bệnh nhân COVID-19 và được thực hiện bằng kỹ thuật mới, theo báo The Guardian.
Ông Debby Van Riel, một nhà virus học tại Đại học Erasmus (Hà Lan), ca ngợi tính nghiêm ngặt của nghiên cứu. Tuy nhiên ông nhận định tuyên bố của nhóm tác giả rằng SARS-CoV-2 không lây nhiễm tế bào thần kinh là "khá táo bạo".
Mặc dù vậy, nghiên cứu này cũng có ý nghĩa nhất định. Theo The Guardian, đây sẽ là tiền đề cho các nghiên cứu mới về liệu pháp điều trị tập trung vào tế bào hỗ trợ ONS, từ đó giảm bớt hoặc chữa trị dứt điểm chứng mất khứu giác và rối loạn khứu giác ở người bệnh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC