Theo đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, nhiều tinh dầu giúp kháng và diệt khuẩn hiệu quả. Tía tô giúp chữa bệnh do dai dẳng, mẩn ngứa, cảm…
Tía tô còn có các tên như é tía, tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím). Tía tô rất giàu dinh dưỡng gồm vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P… Không chỉ là gia vị trong các món ăn mà tía tô còn giúp chữa bệnh.
Theo đông Y, tía tô là vị thuốc được đông phương y dược xếp vào loại giải biểu (làm cho ra mồ hôi) thuốc nhóm phát tán phong hàn (nhóm do lạnh gây bệnh) cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi, khỏi sốt.
Tía tô có tính ấm, vị cay, vào 3 kinh phế – tâm – tỳ, không độc. Lá dùng làm gia vị rất phổ biến đồng thời là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo.
Hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai. Trường hợp không có thì dùng thay thế cho nhau cũng được.
TheoTri Thức Trẻ, PGS. TS. Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền, cho biết trong đông y, hương vị của tía tô được đánh giá là sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà sát khuẩn.
Chính vì vậy, tía tô được y học cổ truyền xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm phát tán phong hàn, chữa bệnh bằng cách cho ra mồ hôi, giải cảm, khỏi sốt.
Khi cộng với hành (một thứ gia vị cũng kích thích tăng tiết dịch vị) thì cháo hành – tía tô sẽ có tác dụng giải cảm cho những người bị cảm.
Các bài thuốc từ tía tô:
Chữa cảm lạnh:Một nắm lá tía tô nấu với nước uống hoặc dùng lá tía tô với kinh giới, hương nhu, lá xả, lá tre nấu với nước để xông.
Chữa cảm sốt, nhức đầu, ngạt mũi: Hạt tía tô 120g, vỏ quít 8g, cam thảo nam 10g, gừng tươi 3 lát sắc với nước uống nóng 1 lần 1 ngày.
Ho do hen suyễn: Lấy 90g hạt tía tô đem sao qua cho thơm, tán thành bột mịn rồi ngâm vào 1 lít rượu gạo trong 10 ngày. Sau 10 ngày đem ra chắt lấy nước, bỏ xác. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần khoảng 20ml
Cách này chỉ áp dụng cho ho suyễn có đờm trắng đục, nặng ngực. Nếu ho đàm vàng, cổ khô, miệng khát, môi đỏ thì không dùng.
Ho kèm theo nôn:Lấy lá tía tô đun với nước thật lâu, gạn bỏ xác lá rồi nấu cô đặc lại thành cao. Đậu đỏ đem rang cho vàng, tán nhỏ trộn với cao tía tô ở trên và viên thành hạt để uống. Thuốc này dùng khi ho kèm theo theo nôn, chảy máu, tiêu chảy sẽ hạn chế chảy máu, giảm ho.
Ho mất tiếng:Lấy 30g mận tươi và 5 quả đại táo đem giã nhuyễn nấu lấy nước. Khi nước sôi, cho vào ấm trà có 6g lá tía tô và 3g lá trà để hãm uống như uống trà. Mỗi ngày uống 2 lần liên tục 10 ngày chữa ho mất tiếng, tắc nghẹn do rối loạn thần kinh…
Ho ở trẻ nhỏ:Để thực hiện cách này, bạn nên chuẩn bị lá tía tô, hoa đu đủ đực, hoa khế đem rửa sạch. Cho tất cả vào chén sứ, thêm đường phèn và chút nước vào rồi đun cách thủy trong 15 phút, sau đó uống chậm từ từ để thuốc ngấm vào lưỡi, vừa uống nuốt vừa vuốt từ cằm xuống rốn.
Chữa dạ dày: Lá tía tô có chứa tanin và glucosid, có tác dụng chống viêm, làm se vết loét, liền sẹo và giảm sự gia tăng axit dạ dày. Theo các bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa, nếu dùng ở dạng nước sắc, lá tía tô không chỉ có tác dụng giảm đau, giảm dịch vị xuống mức bình thường ở những bệnh nhân đau dạ dày mà còn giúp bệnh nhân ăn ngon và ngủ tốt hơn.
Chữa mề đay, mẩn ngứa:Người bị mề đay mẩn ngứa do tiếp xúc ánh nắng mặt trời, do côn trùng, do tiếp xúc với khí lạnh, nước lạnh, dị ứng thực phẩm… có thể dùng lá tía tô giã nhỏ, vắt lấy nước uống, phần bã để xát vào chỗ da bị nổi mẩn sẽ đỡ rất nhiều, ngứa ngáy cũng giảm đáng kể.
Lưu ý:
Các chuyên gia khuyến cáo, bản thân lá tía tô là một loại thuốc, vì vậy không nên tự ý dùng bừa bãi với liều lượng quá nhiều. Nếu dùng lâu ngày có thể khiến người mệt mỏi, kém ăn, thở nông, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ…
Chú ý, không dùng tía tô trong trường hợp cảm nóng, người nhiều mồ hôi sử dụng cần thận trọng.
Phương Nam
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC